Thiếu xe du lịch đạt chuẩn, thiếu hướng dẫn viên quốc tế, thiếu nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách quốc tế, thiếu trung tâm mua sắm, du khách không biết tiêu tiền vào đâu... là những hạn chế cần phải khắc phục để thu hút khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng.
Hướng dẫn thông tin cho khách du lịch nước ngoài đến tham quan Đà Nẵng. |
Vấn đề này được các doanh nghiệp du lịch, hãng lữ hành nêu ra tại tọa đàm “Một số giải pháp thu hút khách du lịch từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga đến Đà Nẵng” do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Đà Nẵng tổ chức vào chiều ngày 10-10.
Sở VH-TT&DL thành phố cho biết, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga là 3 thị trường khách du lịch tiềm năng và trọng điểm của ngành du lịch Đà Nẵng. Trong 9 tháng đầu năm 2013, Đà Nẵng đón hơn 102.000 lượt khách Trung Quốc, gần 40.000 lượt khách Hàn Quốc và hơn 4.300 lượt khách Nga. Trong khi thị trường khách Hàn Quốc và Nga tăng chậm thì những năm gần đây, thị trường khách Trung Quốc có sự “bùng nổ” mạnh mẽ. Nhiều chuyến bay trực tiếp và thuê bao đã kết nối các tỉnh, thành lớn ở Trung Quốc với Đà Nẵng trong thời gian gần đây đem lại tín hiệu vui cho ngành du lịch thành phố.
Đặc biệt, lượng khách đi du lịch tàu biển tăng cao đáng kể. Ông Trần Lực, Giám đốc Chi nhánh Saigontourist tại Đà Nẵng cho hay, mỗi năm Saigontourist đón hàng chục chuyến tàu biển đến Đà Nẵng, trong đó 70% là khách Trung Quốc.
Thiếu xe du lịch đạt chuẩn, thiếu hướng dẫn viên quốc tế
Tuy nhiên, điều bất cập lớn nhất của ngành du lịch Đà Nẵng hiện nay là vẫn thiếu xe du lịch đạt chuẩn để vận chuyển khách. Theo các công ty lữ hành, mỗi chuyến tàu biển đón từ 2.500-3.000 khách nhưng khi khách xuống cảng Đà Nẵng vẫn không có đủ xe đưa đón khách. Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, trong năm 2012, Đà Nẵng có tổng cộng 76 xe du lịch đạt chuẩn, trong 9 tháng đầu năm đã tăng lên đến 160 chiếc, chưa kể có gần 970 xe du lịch chưa đạt chuẩn. Lượng xe tăng cao là vậy nhưng vẫn không đáp ứng đủ yêu cầu vận chuyển khách, nhất là trong mùa lễ, Tết, tình trạng “cháy” xe du lịch vẫn liên tục diễn ra, gây khó khăn cho nhiều công ty lữ hành. “Nên chăng thành phố nên có những chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mua xe lớn”, ông Trần Lực đề xuất.
Trong khi đó, chất lượng phục vụ khách du lịch ở Đà Nẵng hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, nhất là tình trạng thiếu hướng dẫn viên (HDV) quốc tế. Hiện nay đội ngũ HDV của Đà Nẵng có trên 1.200 người, trong đó 741 HDV quốc tế. Tuy nhiên, vào những mùa cao điểm, các công ty lữ hành vẫn phải thuê HDV từ các tỉnh, thành khác, khiến chi phí dịch vụ tăng cao. Mỗi năm, Đà Nẵng đào tạo hàng ngàn HDV du lịch nhưng chỉ 5% trong số đó đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Không chỉ vậy, trong các nhà hàng, khách sạn, đội ngũ nhân viên phục vụ vẫn còn nhiều yếu kém, đa số chỉ phục vụ cho thị trường khách nội địa. “Nhiều khách du lịch đến Đà Nẵng vào thời gian ban đêm, họ rất mệt mỏi, thế nhưng ngay cả lễ tân cũng không biết ngoại ngữ khiến du khách bực mình thêm”, đại điện một khách sạn trên địa bàn thành phố cho biết.
Là một trung tâm du lịch trọng điểm, với lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng hằng năm vào loại cao nhất trong cả nước thế nhưng nhiều năm nay Đà Nẵng vẫn thiếu nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách quốc tế. Nhiều công ty lữ hành cho biết, nhà vệ sinh chỉ là vấn đề nhỏ nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ cho việc phát triển du lịch của thành phố. Hiện ở Đà Nẵng có 85 nhà vệ sinh công cộng nhưng đa phần trong số đó vẫn chưa đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, thậm chí nhiều cái đã xuống cấp trầm trọng. Bà Nguyễn Thị Túy Vân, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, nói: “Vấn đề nhà vệ sinh công cộng đã đưa ra nhiều lần nhưng vẫn chưa giải quyết rốt ráo. Thành phố nên giao khoán cho một doanh nghiệp làm theo kiểu “lấy thu bù chi” như vậy mới có thể đáp ứng chất lượng phục vụ khách du lịch nước ngoài”.
Bị công ty nước ngoài chèn ép
Khách Nga được xem là đối tượng khách có thời gian lưu trú dài ngày ở Đà Nẵng, đồng thời mạnh tay chi tiêu vào các dịch vụ du lịch. Trung bình một khách Nga lưu trú từ 10-12 ngày, chi tiêu khoảng trên dưới 1.000 USD. Thế nhưng nhiều du khách đến đây vẫn không biết tiêu tiền vào đâu. “Ngoài chợ Hàn, Big C, một vài cơ sở nhỏ lẻ thì hầu như khách đến Đà Nẵng chẳng biết đi mua sắm ở đâu. Thiếu các khu ẩm thực lớn, các khu vui chơi và giải trí về đêm, các phố đi bộ… khiến du khách không mặn mà bỏ tiền chi tiêu”, ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Vitours, cho biết. Nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm mong muốn thành phố sớm quy hoạch một khu trung tâm mua sắm lớn có vị trí thuận lợi để đưa đón khách, sớm đưa vào hoạt động các khu phố chuyên doanh sản phẩm dịch vụ du lịch để khách đến Đà Nẵng không chỉ tham quan, nghỉ dưỡng mà còn cảm thấy hài lòng vì dịch vụ phong phú, chất lượng đảm bảo.
Một vấn đề khó khăn nhất của doanh nghiệp du lịch địa phương hiện nay là chịu sự chèn ép của các công ty du lịch nước ngoài khiến họ không thể khai thác được nguồn khách tiềm năng ở Đà Nẵng. Nhiều công ty nước ngoài lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước, đã tự ý đưa đón khách, tự ý bán tour với giá cao làm ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của điểm đến. “Cần sự vào cuộc của thanh tra Sở và sự đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp để các doanh nghiệp địa phương thực sự được hưởng lợi từ các điểm đến, đồng thời góp phần bảo vệ cho thương hiệu du lịch Đà Nẵng”, ông Cao Trí Dũng đề xuất.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VH-TT&DL thành phố, nói: “Đầu tư nhà vệ sinh, tăng thêm xe vận chuyển, nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ cho đội ngũ lao động du lịch, khắc phục tính thời vụ trong du lịch..., có như vậy mới có thể tăng thời gian lưu trú và khả năng chi tiêu của du khách, để mỗi du khách đến thành phố biển xinh đẹp này đều muốn quay trở lại lần nữa trong những chuyến du lịch sau. Muốn làm được điều này cần sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp và Nhà nước với chiến lược phát triển du lịch lâu dài và bền vững”.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN