.

Thành lập đường dây nóng cho trung tâm hỗ trợ du khách

.

(ĐNĐT) - Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, có cơ chế xử phạt rõ ràng, thành lập đường dây nóng 24/24h, có trụ sở tiếp đón ở vị trí dễ nhận biết... là những yêu cầu cần thiết đặt ra cho các trung tâm hỗ trợ du khách nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ ngày càng cao của nhiều nguồn khách đến Việt Nam.

Nhiều du khách khi vừa đặt chân tới điểm đến đã được hỗ trợ thông tin kịp thời và hiệu quả từ TTHTDK. TRONG ẢNH: Quầy thông tin du khách tại ga nội địa Sân bay Đà Nẵng. (Ảnh do Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng cung cấp)
Nhiều du khách khi vừa đặt chân tới điểm đến đã được hỗ trợ thông tin kịp thời và hiệu quả từ TTHTDK. ẢNH: Quầy thông tin du khách tại ga nội địa sân bay Đà Nẵng (Ảnh do Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng cung cấp)

Đó là ý kiến của hầu hết các đại biểu đưa ra trong hội nghị bàn về công tác “Thành lập Trung tâm hỗ trợ du khách” (TTHTDK) do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phối hợp với Liên minh châu Âu tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 16-11. Ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL và ông Nguyễn Xuân Anh, Phó Chủ tịch UBND thành phố đến dự.

Chọn Đà Nẵng làm đầu tàu

Năm 2013, mặc dù ngành du lịch đã đạt được một số thành tựu nhất định nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng cò mồi, chèo kéo, bu bám du khách, làm xấu đi hình ảnh du lịch của điểm đến. Mặt khác, thực tế cho thấy ở nhiều địa phương, du khách khi gặp các sự cố cũng chẳng biết tìm đến đâu để được hỗ trợ nên đành ngậm ngùi cho qua. “Để xây dựng thương hiệu du lịch bền vững, các địa phương đạt trên 1 triệu lượt khách du lịch/năm phải thành lập TTHTDK nhằm tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh và an toàn cho du khách”, Thứ trưởng Hồ Tuấn Anh yêu cầu.

Theo nhận định của các chuyên gia Dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (gọi tắt là Dự án EU) do Liên minh châu Âu tài trợ, TTHTDK được xem là kênh quảng cáo truyền miệng tích cực nhằm tăng cường danh tiếng cho du lịch địa phương và tăng lượng khách quay trở lại. Du khách khi vừa đặt chân đến một nơi nào đó trong hành trình du lịch họ lựa chọn sẽ rất bỡ ngỡ vì chưa biết nhiều thông tin về điểm đến như: nên đặt phòng ở khách sạn nào, mua sắm và ăn uống ở đâu, địa phương có sản phẩm du lịch gì đặc biệt…

“Việc thành lập TTHTDK sẽ góp phần nâng cao nhận thức về sản phẩm du lịch có trách nhiệm và đây cũng được xem là sự lựa chọn tốt nhất và duy nhất cho phát triển du lịch bền vững như một xu thế tất yếu”, ông Kai Partale, chuyên gia dài hạn Dự án EU chia sẻ. Theo ông Kai, trong năm 2014, Dự án EU sẽ hỗ trợ 12 khóa đào tạo về việc xây dựng TTHTDK chuẩn cho một số địa phương có địa bàn du lịch trọng điểm nhưng trước mắt là nên chọn một địa phương làm mô hình mẫu.

Điểm qua một số địa phương có lượng khách du lịch đạt trên 1 triệu lượt khách/năm, nhiều ý kiến cho rằng nên chọn Đà Nẵng làm đầu tàu vì nơi đây có môi trường du lịch tốt. Mỗi người dân Đà Nẵng từ doanh nghiệp làm du lịch cho đến người đạp xích lô, lái xe taxi, người bán hàng… đều ý thức xây dựng môi trường du lịch trong sạch để nâng cao hình ảnh một thành phố thân thiện trong mắt du khách. Các đại biểu còn đánh giá trong nhiều địa phương đã thành lập TTHTDK thì Đà Nẵng lại có nhiều cách làm hay.

TTHTDK ở Đà Nẵng không chỉ kết nối giữa những người làm du lịch mà còn có sự liên kết của các sở, ban, ngành khác như công an, y tế, thương mại, vận tải… cùng ký kết một biên bản hợp tác chung. “Tuy chỉ mới đi vào hoạt động từ đầu tháng 2 năm nay nhưng TTHTDK ở Đà Nẵng đã hỗ trợ trên 7.600 trường hợp du khách cần thông tin hoặc gặp sự cố một cách nhanh chóng và có hiệu quả. Sắp tới, Đà Nẵng sẽ xây dựng thêm quầy thông tin hỗ trợ du khách ở nhà ga sân bay quốc tế, hoàn thiện quầy thông tin ở cảng biển và trong tương lai sẽ xây dựng thêm quầy thông tin ở ga xe lửa, các điểm du lịch và một số tuyến đường chính để đi đâu du khách cũng được hỗ trợ một cách tốt nhất”, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng nói.

Thống nhất quy chế hoạt động chung

Không chỉ có Đà Nẵng mà một số địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... cũng đã sớm thành lập TTHTDK để nhanh chóng khắc phục tình trạng suy thoái môi trường du lịch và hoạt động bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, các địa phương vẫn còn lúng túng trong khâu tổ chức và quản lý TTHTDK, nhân viên còn bị động trong việc xử lý một số tình huống do thiếu năng lực. Đồng thời những giải pháp mà các TTHTDK đưa ra chỉ ở cấp độ địa phương theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Anh cho rằng, việc thành lập các TTHTDK không chỉ có sự liên kết của các sở, ban, ngành ở địa phương mà nên có sự liên kết giữa các vùng, miền để trung tâm hoạt động hiệu quả hơn. Muốn làm được như vậy, các TTHTDK phải thống nhất một quy chế hoạt động như: có chung một số điện thoại và một hình ảnh nhận diện.

Hiện nay, các TTHTDK ở mỗi địa phương đều có số điện thoại cố định để du khách khi gặp phải sự cố sẽ được hướng dẫn nhiệt tình. Tuy nhiên, lãnh đạo một số địa phương cho biết các số điện thoại này quá dài, khó nhớ và chỉ đáp ứng nhu cầu của một địa phương mà không có sự thống nhất trên phạm vi cả nước. Tại hội nghị, Bộ VH-TT&DL đã đưa ra số điện thoại chung cho tất cả các TTHTDK trên cả nước là 1800.1119 nhưng nhiều đại biểu cho rằng số điện thoại này vẫn còn dài.

“Số điện thoại của TTHTDK nên chỉ có 3 số như bên cảnh sát là 113, cứu hỏa 114, cứu thương 115...”, ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam đề xuất. Các đại biểu đều thống nhất ý kiến nên lấy số 119 là hợp lý nhất. Ông Hồ Anh Tuấn cho biết sẽ làm việc với Bộ Thông tin-Truyền thông xem xét đến phương án các đại biểu đề xuất để chọn một số điện thoại ngắn và dễ nhớ cho tất cả TTHTDK.

Về việc xây dựng TTHTDK, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương nên chọn vị trí thích hợp, ở những tuyến đường du lịch chính hoặc nơi tập trung đông khách du lịch tham quan để du khách dễ tiếp cận. Quan trọng hơn, những trung tâm này phải có ấn tượng đặc trưng và thống nhất nhận diện trên phạm vi toàn quốc, tức là phải có một hình ảnh chung cho tất cả các TTHTDK để khách du lịch có thể phân biệt với các TTHTDK của các doanh nghiệp du lịch.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.