.

Du lịch homestay ở Đà Nẵng: Thách thức lớn

.

ĐNĐT - Homestay là loại hình du lịch cộng đồng dành cho những du khách thích khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu về phong tục tập quán của người dân địa phương. Du khách sẽ cùng ăn, ngủ và sinh hoạt tại nhà dân để tự mình khám phá những nét văn hóa bản địa độc đáo. Hiện nay, mô hình du lịch này ngày càng được ưa chuộng, nhất là tại các điểm du lịch vùng núi, nông thôn. Ở Đà Nẵng, du lịch homestay cũng đã manh nha xuất hiện nhưng chưa mấy thành công. Liệu, Đà Nẵng có phải là “mảnh đất màu mỡ” để loại hình du lịch này phát triển?

Du khách nước ngoài ăn trưa tại nhà dân ở khu du lịch Mỹ Sơn. (Ảnh do công ty Trà Kiệu cung cấp).
Du khách nước ngoài ăn trưa tại nhà dân ở khu du lịch Mỹ Sơn. (Ảnh do Công ty Trà Kiệu cung cấp).

Doanh nghiệp “ngó lơ”

Khảo sát qua một số hãng lữ hành trên địa bàn Đà Nẵng như Vietdatravel, Vitour, Saigontourist, Đà Nẵng xanh…, tất cả các đơn vị này đều khẳng định không có tour homestay cố định và có sẵn để phục vụ du khách. Hầu hết chỉ tổ chức những tour du lịch homestay khi khách có nhu cầu, song đối tượng khách này cũng không nhiều và không thường xuyên.

Từ thực tế này có thể nhận thấy, các đơn vị lữ hành không mặn mà với loại hình du lịch này và không coi đây là một sản phẩm chính thống để khai thác.

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Công ty Vitour chia sẻ: "Thực tế, các công ty lữ hành của Đà Nẵng cũng rất muốn đưa hình thức du lịch homestay vào khai thác nhưng vì nhiều nguyên nhân khiến dự án này khó khả thi. Thường thì chỉ du khách nước ngoài mới muốn trải nghiệm homestay nhưng không gian và chất lượng chỗ ở của ta chưa thể đáp ứng được. Thêm vào đó, số khách đến Đà Nẵng du lịch có nhu cầu homestay không nhiều, cũng nhiều công ty làm rồi nhưng ế ẩm lắm. Theo tôi được biết, ở Đà Nẵng chỉ có Công ty du lịch Trà Kiệu đang ứng dụng homestay, nhưng họ áp dụng ở khu du lịch Mỹ Sơn chứ cũng không áp dụng ở Đà Nẵng”.

Du khách nước ngoài  đi thăm nhà dân ở Mỹ Sơn. (Ảnh do công ty Trà Kiệu cung cấp).
Du khách nước ngoài đi thăm nhà dân ở Mỹ Sơn (Ảnh do công ty Trà Kiệu cung cấp).

Liên hệ với Công ty cổ phần du lịch Trà Kiệu, chúng tôi được biết, công ty này đã áp dụng loại hình du lịch homestay ở Mỹ Sơn từ đầu năm 2013 nhưng vẫn chưa thấy tín hiệu khả quan. Ông Trần Trà, Chủ nhiệm câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng, người đứng ra làm du lịch homestay cho công ty, chia sẻ những khó khăn mà anh gặp phải: “Mô hình homestay chúng tôi áp dụng không thành công do nhiều nguyên nhân. Trước hết là khâu quảng bá, quảng cáo chưa tốt; thứ hai là đối tượng khách này không nhiều và quan trọng nhất là sản phẩm này ở Đà Nẵng còn khá mới, một sản phẩm mới ra đời thì chưa thể thành công ngay nên dù bước đầu chưa thuận lợi chúng tôi vẫn kiên trì theo đuổi tiếp”.

Ông Trần Ngọc Tâm cho biết: "Khác với Hội An và Huế có những vùng văn hóa địa phương đặc trưng, nền văn hóa Đà Nẵng chưa hiển hiện được như vậy nên để làm homestay rất khó. Hội An là một trong số ít địa phương phát triển khá tốt và ổn định loại hình du lịch cộng đồng. Một số mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn Hội An đã phát huy hiệu quả cao như thôn Cẩm Châu, khu du lịch Phố Cổ. Theo đó, mỗi nhà dân khai thác dịch vụ homestay đều đầu tư và phát huy bản sắc văn hóa riêng để phát triển du lịch. Cùng với sự gia tăng của khách du lịch, các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách cũng được chú trọng tại các điểm du lịch này. Bên cạnh dịch vụ homestay, du khách có thể mua đồ thủ công truyền thống, vải vóc tơ tằm… mang về nên họ vừa được trải nghiệm, vừa có cái gì đó gọi là kỷ niệm chuyến đi, điều đó Đà Nẵng chưa làm được”.

Cùng nhận định như ông Tâm, ông Trà cho rằng, Hội An ngày nay đang ngày càng được nhiều du khách quan tâm lựa chọn vì sự mới mẻ và dân dã của nó. Chỉ trong một khoảng thời gian du lịch homestay ngắn ngủi, du khách vừa có cơ hội thưởng ngoạn vẻ đẹp của di sản văn hóa thế giới, vừa có thể hiểu thêm về nếp ăn ở, sinh hoạt cũng như nét văn hóa của cư dân Hội An.

“Thật ra, trong lòng Đà Nẵng cũng có những điểm đến văn hóa thú vị như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn… Đặc sản có bánh khô mè Bà Liễu, hải sản khô… nhưng sự đầu tư bài bản của Hội An là điều mà chúng ta chưa làm được, hơn nữa, việc đối tượng khách không nhiều khiến các doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng khó mà thu được lợi nhuận từ dịch vụ này”, ông Trà nhấn mạnh.

“Quyết tâm, sẽ làm được!”

Du lịch homestay mang đến cho du khách trải nghiệm chân thực về cuộc sống của người dân địa phương; tạo cơ hội việc làm cho nhiều gia đình ở khu vực nông thôn, miền núi; tạo ra giá trị đối với việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa. Tuy nhiên, du lịch homestay ở Đà Nẵng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Trà cho rằng, muốn có được mô hình du lịch cộng đồng thành công và hấp dẫn du khách, ngoài việc nâng cấp cơ sở vật chất thì việc cần thiết nhất là đào tạo kỹ năng giao tiếp và quản lý cho người dân địa phương để họ tham gia có hiệu quả vào các hoạt động du lịch và cung cấp các dịch vụ du lịch chất lượng. Đồng thời, phát triển thêm các sản phẩm du lịch ẩm thực, các vật phẩm đặc trưng của từng vùng để vừa có thể quảng bá văn hóa dân tộc, vừa đem lại thu nhập cho người dân. Tuy ở Đà Nẵng hiện nay rất khó làm du lịch homestay nhưng không phải là không có cách. Nếu thành phố có chủ trương, hành lang pháp lý tốt, hỗ trợ cho nhà dân bằng cách thông qua các tổ chức phi chính phủ mở các lớp đào tạo bếp, bàn-bar, giao tiếp bằng tiếng Anh… cho người dân thì người dân mới có kỹ năng để làm homestay được.

Thực tế, để một người nông dân làm du lịch là rất khó. Muốn thu được thành quả từ loại hình du lịch này, đòi hỏi người làm du lịch phải bền bỉ, kiên trì. Các lớp đào tạo cho nông dân phải được mở đồng thời với thời gian xây dựng cơ sở vật chất, khi hoàn thành cơ sở vật chất, người dân cũng hoàn thiện được “vốn” làm du lịch của mình. Để người nông dân tự đứng ra làm du lịch, để họ cùng với du khách trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của Đà Nẵng như hát bài chòi, hát hò khoan, cùng làm ruộng, trồng rau… sẽ thu được kết quả khả quan.

Ở Đà Nẵng hiện nay, cũng có những khu vực có thể làm homestay rất tốt như làng Phong Nam (xã Hòa Châu), làng Túy Loan (xã Hòa Nhơn), thôn Phú Túc (xã Hòa Phú)… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã bỏ qua các khu vực này.

Để góp phần giải quyết những khúc mắc này, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, cho biết mô hình du lịch cộng đồng là loại hình du lịch có sức cuốn hút với nhiều du khách nước ngoài. Điểm hấp dẫn nhất của loại hình này chính là nét văn hóa độc đáo của dân tộc bản địa, nên không thể làm đại trà mà phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng.

"Homestay là loại hình du lịch độc đáo, phát huy lợi ích cao nhất ở các vùng nông thôn hoặc những nơi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Chúng tôi cũng đang trong quá trình nghiên cứu để áp dụng mô hình này, biến nó thành sản phẩm du lịch độc đáo và nếu làm được sẽ mở rộng về cánh phía tây và tây nam thành phố. Mô hình này thành công, không chỉ đem lại thu nhập cho người dân mà còn giảm áp lực cho bộ phận lưu trú của thành phố”, ông Cường chia sẻ.

Hiện tại, để mô hình du lịch cộng đồng hoạt động hiệu quả thì phải xác định lấy văn hóa địa phương làm nền tảng, gắn việc khai thác du lịch với bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số để thu hút khách du lịch. Đồng thời, thành phố cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư vào khai thác sản phẩm du lịch homestay trong thời gian tới.

Quỳnh Trang

;
.
.
.
.
.