(ĐNĐT) - Đầu tư nghiên cứu các sản phẩm du lịch mới, hợp tác chặt chẽ trong việc trao đổi nguồn khách của nhau, hỗ trợ lẫn nhau trong xây dựng chiến lược xúc tiến và quảng bá, kích cầu giá vé máy bay để tạo thói quen du lịch cho du khách… là những giải pháp cần thiết trong việc liên kết phát triển du lịch giữa Đà Nẵng và Nghệ An nhằm đưa hình ảnh du lịch 2 địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn nhất ở khu vực miền Trung, đồng thời tạo cơ sở để khai thác hiệu quả tuyến đường bay Đà Nẵng - Vinh - Viêng Chăn (Lào) và ngược lại.
Đại diện lãnh đạo 2 địa phương ký kết và trao đổi biên bản hợp tác du lịch. |
Đó là những nội dung chính được các đại biểu đưa ra tại hội nghị “Hợp tác phát triển du lịch gắn với hàng không giữa Đà Nẵng và Nghệ An”, diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 18-4. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Đinh Thị Lệ Thanh đồng chủ trì hội nghị.
“Đừng để trở thành điểm quá giang cho các tỉnh lân cận”
Đà Nẵng và Nghệ An có những nét tương đồng về du lịch, vừa có biển vừa có núi và đều nằm ở vị trí thuận lợi trong các đầu mối giao thương nội địa và quốc tế. Tiềm năng du lịch hấp dẫn là vậy nhưng cho đến nay hoạt động du lịch giữa 2 địa phương vẫn chưa có sự liên kết bài bản nên việc xúc tiến, quảng bá để thu hút khách vẫn chưa thực sự hiệu quả.
“Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định chuyển hướng tăng trưởng sang tập trung phát triển theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, bền vững, có thương hiệu và sức cạnh tranh. Tuy nhiên ngành du lịch vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có của mỗi địa phương, đặc biệt là việc liên kết phát triển sản phẩm giữa các địa phương vẫn còn yếu và chưa được chú trọng, đầu tư”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nêu vấn đề.
Theo các doanh nghiệp lữ hành cho biết, Đà Nẵng và Nghệ An có cơ sở để xây dựng các chương trình tour đa dạng cho các loại hình du lịch; thế nhưng trong nhiều năm qua vẫn chưa khai thác tương xứng với “món quà” mà thiên nhiên đã hậu hĩnh ưu đãi; vẫn chưa có những sản phẩm thật sự đặc biệt để quảng bá cho du lịch địa phương đồng thời để liên kết các chương trình tour với các địa phương khác.
Vì vậy, khách du lịch thường chọn Đà Nẵng và Nghệ An làm điểm “quá giang” để đi các tỉnh lân cận. Chẳng hạn, khách đi du lịch chỉ chọn Nghệ An là điểm nghỉ qua đêm rồi sau đó đi Hà Nội, Ninh Bình, Vịnh Hạ Long hay chỉ chọn Đà Nẵng là điểm trung chuyển giữa Huế và Hội An. Đặc biệt, trong khoảng 5 năm trở lại đây, Nghệ An đã trở thành điểm đến quá cũ không được nhiều du khách ưa chuộng lựa chọn trong khi Đà Nẵng là điểm đến mới nổi nhưng việc kết nối du lịch giữa các địa phương lân cận vẫn còn hạn chế.
“Liên kết du lịch được xem là yếu tố quan trọng thúc đẩy du lịch phát triển một cách bền vừng. Vì vậy, chúng ta cần phải xác định chúng ta có những gì và cần phải làm như thế nào để biến tiềm năng trở thành “tài năng”. Điều này cần sự phối hợp giữa lãnh đạo và các doanh nghiệp du lịch giữa 2 địa phương”, bà Đinh Thị Lệ Thanh nói.
“Cần phải xác đinh liên kết cái gì và liên kết như thế nào?” cũng là câu hỏi mà nhiều đại diện doanh nghiệp 2 địa phương vẫn đang thắc mắc và tìm lời đáp cho bài toán khó. Theo đại diện của các địa phương, trong những năm gần đây, cơ cấu kinh tế 2 địa phương Đà Nẵng và Vinh đã chuyển dịch sang các ngành dịch vụ, trong đó lấy phát triển du lịch là ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, ý kiến của các đại biểu cho rằng, để tăng cường liên kết phối hợp phát triển du lịch giữa 2 bên cần xây dựng chương trình cụ thể cho 2 địa phương về các hoạt động sẽ triển khai hằng năm để kết nối các chuỗi sự kiện, các sản phẩm du lịch đặc trưng, tránh việc trùng lặp về sản phẩm du lịch giữa 2 địa phương, đồng thời để các địa phương phát triển được thế mạnh của mình nhằm tạo thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách.
“Chúng tôi rất hoan nghênh hội nghị liên kết du lịch lần này nhưng sau hội nghị nếu doanh nghiệp 2 địa phương không có những buổi gặp gỡ, trao đổi và nghiên cứu thị trường của nhau sẽ là thiếu sót lớn. Vì vậy, trong thời gian tới cần phải tổ chức các đoàn famtrip khảo sát các sản phẩm du lịch tại Đà Nẵng cũng như Nghệ An để kết nối các tour, tuyến trong thời gian tới. Làm sao chúng ta phải có sản phẩm để bán cho du khách mà sản phẩm đó phải thật cá biệt và đạt chuẩn. Có như vậy du khách mới quay trở lại lần thứ hai, mà lần sau lại bỏ tiền chi tiêu cao hơn lần trước và lưu trú dài ngày hơn”, ông Trịnh Bằng Có, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ.
Kết thúc buổi hội nghị, đại diện lãnh đạo 2 địa phương đã ký kết 6 nội dung hợp tác, bao gồm: hợp tác trong chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quản lý Nhà nước về du lịch; hợp tác trong nghiên cứu thị trường và xúc tiến quảng bá du lịch; hợp tác xây dựng sản phẩm và hệ thống tuyến điểm du lịch, đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm du lịch đặc thù của 2 địa phương; hợp tác trong lĩnh vực quy hoạch, kêu gọi đầu tư; hợp tác trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và trong liên kết hoạt động lữ hành; hợp tác trong lĩnh vực liên kết phát triển du lịch gắn với hàng không. |
Cần chính sách hỗ trợ giá vé máy bay
Theo đại diện các hãng lữ hành, hiện nay có 3 nguồn khách du lịch chính luân chuyển giữa Đà Nẵng và Nghệ An đó là nguồn khách trao đổi giữa lữ hành 2 địa phương, nguồn khách quốc tế Đông Bắc Á bằng đường bộ và nguồn khách công vụ. Cuối tháng 10-2012, khi đường bay Đà Nẵng - Vinh chính thức đi vào hoạt động đã đã tạo ra nhiều thuận tiện cho du khách đi du lịch giữa 2 địa phương cũng như đi du lịch ra các nước ở khu vực Đông Bắc Á. Hiện nay, Vietnam Airlines (VNA) là hãng hàng không duy nhất tại Việt Nam khai thác đường bay Vinh - Đà Nẵng và ngược lại. Từ cuối tháng 10-2012, đường bay Vinh - Đà Nẵng - Vinh được mở với tần suất 4 chuyến/tuần nhưng đến tháng 5-2013, khi nhu cầu đi du lịch của khách tăng cao thì VNA đã tăng lên 7 chuyến/tuần chỉ sau 6 tháng khởi động.
Theo báo cáo của VNA, trong 3 tháng đầu năm 2014, VNA đã thực hiện 87 chuyến bay kết nối giữa Đà Nẵng và Nghệ An, vận chuyển khoảng 3.800 khách, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm ngoái với công suất ghế đạt 65%. Dù vậy, lượng khách luân chuyển giữa Đà Nẵng và Vinh chưa thực sự tương xứng, trong khi khách Nghệ An đi Đà Nẵng chiếm số đông thi khách đi chiều ngược lại Đà Nẵng - Vinh lại ít và có xu hướng giảm trong những năm gần đây, khiến việc khai thác đường bay này không hiệu quả.
“Chúng ta phải xây dựng tour hấp dẫn để đầu tư đúng mức cho du lịch, xây dựng giá phù hợp để tạo sự khác biệt và có chính sách khuyến mại tạo thói quen cho khách”, ông Hồ Quang Tuấn, Phó giám đốc Chi nhánh Tổng Công ty Hàng không VNA khu vực miền Trung cho biết. Gói kích cầu "hot" thì tuyến điểm du lịch Đà Nẵng-Vinh sẽ hút khách.
Hiện nay, việc quảng bá đường bay Đà Nẵng - Vinh vẫn chưa đúng trọng tâm, đồng thời liên kết giữa hàng không và lữ hành vẫn còn lỏng lẻo khiến đường bay này kém hấp dẫn trong mắt du khách. Sở dĩ như vậy, theo VNA, vì người dân thiếu thông tin cụ thể về các chương trình khuyến mại đồng thời mức giá cạnh tranh với đường bộ lại chênh lệch nhiều (đường bộ chỉ từ 200-230 ngàn/người/lượt đi trong khi vé máy bay từ 800 ngàn-1,6 triệu/người/vé).
Để đưa tăng lượng khách trên chuyến bay Đà Nẵng - Vinh, các đại biểu cho rằng, giữa công ty du lịch và VNA cần phải phối hợp xây dựng chính sách du lịch, tìm kiếm nguồn khách, đồng thời xây dựng sản phẩm du lịch và xúc tiến bán sản phẩm rộng rãi cho du khách. “Chúng tôi cũng đề nghị VNA cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ về giá cước vận chuyển cho các doanh nghiệp du lịch khi tham gia các chương trình du lịch và các hoạt động chung do 2 bên tổ chức”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN