Du lịch
Xây dựng điểm đến hấp dẫn du khách
ĐNĐT - Đà Nẵng tuy có nhiều lợi thế nhưng chưa phát huy hiệu quả để tăng sức cạnh tranh. Vì vậy, cần có sự đầu tư hơn nữa để thúc đẩy ngành du lịch của thành phố tăng trưởng, tạo thêm nhiều điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Cần khai thác các sản phẩm du lịch thú vị, hấp dẫn để thu hút du khách đến với Đà Nẵng. Ảnh: HH |
* Ông Peter R. Ryder, Tổng giám đốc Tập đoàn Indochina Capital: Đa dạng hoá thị trường khách quốc tế
Cùng với phát triển du lịch gắn kết với phát triển kinh tế- xã hội, môi trường hiện tại và tương lai, ứng dụng cách tiếp cận du lịch bền vững, Đà Nẵng nên tập trung phát triển nguồn nhân lực, đa dạng hóa thị trường mục tiêu.
Đà Nẵng không chỉ dựa vào một vài thị trường chính như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ mà phải hướng đến các thị trường mục tiêu mới là châu Âu và Mỹ, nên tạo lập nhiều khu du lịch tiêu chuẩn quốc tế, gia tăng chuyến bay quốc tế và đơn giản hóa thủ tục visa.
Theo một báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới cùng Hội đồng Du lịch và Tham quan thế giới, “Việt Nam có thể tăng số lượt khách du lịch quốc tế khoảng 8-18% nếu triển khai thủ tục cấp phép visa ngay tại nơi đến”.
Nếu tăng 8-18% lượt khách nhờ vào việc đơn giản thủ tục visa, cộng với chính sách miễn visa cho một số quốc gia khác sẽ tăng 20-25% lượt du khách tới Việt Nam. Dự báo năm 2015, sẽ có 8 triệu du khách đến Việt Nam.
* Ông Paul Stoll, chuyên gia du lịch quốc tế Đức, Tổng Giám đốc Chao Global: Cần xây dựng các trung tâm giải trí
Bên cạnh các dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế thì việc xây dựng các trung tâm giải trí là điều cần thiết. Giải trí là yếu tố tối quan trọng và thực sự là một thiếu sót của các điểm đến du lịch tại Việt Nam.
Đà Nẵng có công viên giải trí Bà Nà, nơi đã trở thành một điểm nhấn sáng cho du lịch của thành phố. Cùng với các hoạt đông giải trí đang được phát triển, quản lý và quảng bá rất hiệu quả, Đà Nẵng cần phát triển thêm địa điểm giống như Disney Land, nơi hy vọng sẽ đóng góp đáng kể cho du lịch nơi đây.
Bà Nà cần được tái xây dựng thương hiệu với một chiến dịch xúc tiến quảng bá hiệu quả để đáp ứng được những mong đợi mang tầm vi mô và vĩ mô. Đây là điểm đến lý tưởng cho các sự kiện kinh tế trong và ngoài nước cũng như các sự kiện nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần đứng đằng sau sự phát triển của các điểm đến du lịch và cần có một kế hoạch hành động cụ thể, hiệu quả. Tôi cũng đề xuất Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nên thiết lập một chi cục chuyên trách đưa ra những tư vấn phù hợp cho các nhà đầu tư.
* Ông Nathan Lauer, chuyên gia nghiên cứu lịch sử Chăm (Hoa Kỳ): Cần có giải pháp quảng bá điểm đến văn hoá, lịch sử
Ở khía cạnh văn hóa, Đà Nẵng vừa may mắn lại vừa thiệt thòi. Chúng ta là một thành phố trẻ đồng nghĩa với việc chúng ta không có các điểm tham quan mang tính lịch sử mang lại nhiều khách như Huế, Hội An hay Hà Nội. Đây là trở ngại đáng kể trong nỗ lực để thu hút khách đến đây.
Tuy nhiên, Đà Nẵng có một thứ mà các thành phố khác không có, một thứ độc đáo chỉ riêng có ở Đà Nẵng và riêng có trên thế giới. Đó là Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Nhưng khâu quảng bá chưa hiệu quả, thiếu tài trợ, bảo tàng ít được biết đến và bị đánh giá thấp hơn so với giá trị thực của nó.
Đây cũng là một điểm du lịch được UNESCO công nhận, nắm giữ tất cả những gì mà người phương Tây có xu hướng tìm kiếm khi đi du lịch châu Á: Sự lãng mạn của một nền văn minh huyền bí bị thất lạc của một vương quốc bại trận, với một nền lịch sử và tôn giáo bị che khuất trong màn sương mờ của thời gian, nay chỉ còn được đại diện bởi nghệ thuật và các tàn tích còn sót lại.
Đối với một khu vực nghỉ mát ven biển, có một điểm thu hút văn hóa cổ đại là rất hiếm, do đó, Đà Nẵng có đầy đủ các cơ hội cho du lịch nhưng lại chưa được phát triển đúng cách.
* PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Cần làm phong phú các loại hình du lịch trải nghiệm cao cấp
Định hướng phát triển TP Đà Nẵng thành một trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế là một định hướng đúng.
Thứ nhất, vì nó phù hợp với các điều kiện phát triển cơ bản của Đà Nẵng, tức là với những lợi thế và cả những bất lợi thế chiến lược của thành phố. Thứ hai, nó căn cứ trên những cơ sở nền tảng cho sự phát triển dài hạn mà Đà Nẵng đã tạo lập cho mình trong giai đoạn vừa qua. Thứ ba là định hướng đó phù hợp với vai trò, chức năng vùng của Đà Nẵng - là thành phố trung tâm của vùng duyên hải miền Trung với định hướng phát triển chủ đạo là du lịch.
Để phát triển đúng hướng, Đà Nẵng nên làm phong phú các loại hình du lịch trải nghiệm cao cấp. Đà Nẵng đã có sẵn những loại hình này: Du lịch văn hóa-tâm linh nối con đường di sản văn hóa miền Trung kéo dài từ Huế qua Đà Nẵng, đến Hội An, Mỹ Sơn, phát triển dịch vụ du lịch các di tích văn hóa-tôn giáo; phát triển các loại hình du lịch biển, nhấn mạnh bến du thuyền hạng sang trên thế giới kết hợp du lịch núi Bà Nà gắn với môn đánh golf Bà Nà độc nhất vô nhị.
Việc nối sân golf Bà Nà với bến du thuyền tạo thành một sự kết hợp đặc sắc biển-rừng của Đà Nẵng, khẳng định tính đẳng cấp cao bậc nhất khu vực của trung tâm du lịch này. TP Đà Nẵng cũng nên làm phong phú sự trải nghiệm nhờ liên kết phát triển Hải Vân-Chân Mây-Lăng Cô-Bạch Mã thành một trung tâm du lịch vùng thống nhất về mặt cấu trúc với nhiều loại hình du lịch khác nhau mà hai trục chính là du lịch núi và du lịch biển (bao gồm du lịch mạo hiểm và du lịch khám phá).
Đà Nẵng càng mở tầm nhìn, càng mở rộng sự liên kết, càng đóng tốt hơn vai trò trung tâm du lịch đẳng cấp cao, sẽ càng được hưởng lợi ích phát triển chính đáng to lớn.
Thu Hà (ghi)