Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng việc liên kết du lịch của 3 địa phương Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam thời gian qua không chỉ khai thác thế mạnh mà còn góp phần cải thiện môi trường và mang lại những kết quả nhất định cho ngành du lịch.
Việc liên kết giúp 3 địa phương có được những sản phẩm du lịch độc đáo và phong phú hơn. Ảnh: Minh Trí |
Mỗi địa phương đều có những sản phẩm du lịch riêng biệt khi hợp tác sẽ tạo thành chuỗi sản phẩm độc đáo và phong phú dành cho du khách. Việc cùng bắt tay làm du lịch đã tăng nguồn khách cũng như thu nhập từ du lịch cho cả 3 địa phương.
Cạnh tranh để nâng cao chất lượng
Sau gần 10 năm liên kết cùng phát triển du lịch, 3 địa phương đã tạo ra nhiều sản phẩm mới hấp dẫn du khách. Như cách nói của Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quảng Nam (VH-TT&DL) Hồ Tấn Cường, cả Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đều rất quan tâm đến xây dựng sản phẩm du lịch của 3 địa phương, trong đó phải kể đến những tour như “Hành trình di sản”, “Con đường di sản miền Trung” dành cho những du khách ưa khám phá, tìm hiểu về văn hóa. Ngoài ra còn có những tour kết hợp về biển đảo và con đường di sản nhằm giúp du khách có cơ hội được trải nghiệm các giá trị về văn hóa và tinh thần của khu vực.
Bên cạnh đó, việc hợp tác trong công tác xúc tiến quảng bá tại các thị trường trong và ngoài nước cũng giúp các địa phương tiết kiệm được chi phí, nhưng sản phẩm lại đa dạng và phong phú hơn, nhất là khi đón các đoàn famtrip của các nước trên thế giới.
“Vì khi khách đến khảo sát các sản phẩm du lịch phải được trải nghiệm các điểm đến, được nghỉ ngơi, vui chơi. Sau khi được sử dụng các sản phẩm thì có thể xây dựng các chương trình tour bán cho khách. Do đó, chúng tôi phải thường xuyên nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch của địa phương mình để du khách luôn hài lòng”, ông Hồ Tấn Cường nhấn mạnh.
Tuy có nhiều lợi thế với những điểm đến hấp dẫn như Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà, các bãi biển đẹp…, nhưng nhiều du khách vẫn coi Đà Nẵng là điểm trung chuyển giữa 2 di sản lớn là cố đô Huế và đô thị cổ Hội An. Năm 2014, thành phố có thêm 44 khách sạn mới đưa vào hoạt động, nâng tổng số phòng lên 15.625 phòng; nhiều resort, khách sạn 5 sao cao cấp hoạt động góp phần đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ lưu trú.
Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng cho rằng, việc triển khai xúc tiến du lịch ở những thị trường chung tiềm năng như Úc, Nga, Anh, Hàn Quốc là cần thiết. Bên cạnh đó cũng nên mở thêm các đường bay quốc tế đến sân bay Phú Bài, sân bay Đà Nẵng qua các hình thức thuê chuyến, chú trọng những đường bay từ Bangkok (Thái Lan), Đài Loan, Úc, Matxcơva… đến Đà Nẵng, đồng thời tăng cường triển khai các sản phẩm du lịch mới để hút khách.
Năm 2015, ngành du lịch Đà Nẵng phấn đấu đạt hơn 4,43 triệu lượt khách (tăng 16,6%) so với năm 2014, Trong đó có 1,15 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20,4% so với năm 2014; 3,28 triệu lượt khách nội địa, tăng 15,3% so với năm 2014.
Cần phối hợp chặt chẽ
Bên cạnh các chương trình xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, 3 địa phương còn có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức các lễ hội lớn như festival (Thừa Thiên - Huế), di sản (Quảng Nam), Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế (Đà Nẵng), các chuyến đón khách tàu biển cũng thường xuyên sử dụng các tour “Con đường di sản”, “Hành trình di sản”…
Theo ông Phan Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế, khách của các thị trường Myanmar, Thái Lan rất quan tâm đến thị trường miền Trung vì có nhiều di sản, chùa chiền và sản phẩm biển tạo ra sự năng động tích cực cho các đơn vị lữ hành ở 3 địa phương xây dựng tour, tuyến. Năm 2015, tuyến đường hầm đèo Phước Tượng và đèo Phú Gia hoàn thành hy vọng tăng tỷ trọng đi lại của khách quốc tế và khách nội địa đối với hai khu vực lớn là Bắc Trung bộ thông qua Huế và Nam Trung bộ thông qua Đà Nẵng, Quảng Nam.
Thời gian qua mới chỉ có từ 30-38% khách di chuyển, đi lại, nhưng nếu việc di chuyển thuận lợi sẽ đạt khoảng 70%, trong đó khách quốc tế sẽ dễ dàng tiếp cận các điểm đến và những sản phẩm mà 3 địa phương đang chào bán hơn.
Cùng quan điểm hợp tác để phát triển, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình khẳng định, liên kết là mắc xích quan trọng để phát triển du lịch. Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ 3 địa phương sẽ gặp khó khăn trong việc giới thiệu, dẫn khách đến các khu, điểm di tích, các sản phẩm du lịch bị hạn chế, các doanh nghiệp khi đầu tư cũng ngại ngần vì thiếu quy mô và tính chuyên nghiệp…
Dù còn nhiều khó khăn nhưng các hoạt động liên kết quảng bá du lịch “Ba địa phương-một điểm đến” đang được thực hiện ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” đã tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ tổ chức các hoạt động nghiên cứu thị trường, xúc tiến điểm đến, xây dựng sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực cho Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam phần nào giúp các địa phương thấy được những ưu và khuyết điểm của mình để từ đó liên kết với nhau khai thác các thị trường khách một cách có hiệu quả hơn.
1.260 khách tàu biển cập cảng Tiên Sa Ngày 6-3, tàu biển Volendam (Mỹ) đưa 1.260 du khách mang các quốc tịch Mỹ, Anh, Úc, Canada… cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng để tham quam Đà Nẵng, Huế và Hội An. Được biết, khách trên tàu lần này đa số là những người lớn tuổi từ 60 trở lên, xu hướng chung của khách là tham quan, tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, khách mua sắm rất ít. Ngày 9-4 tàu sẽ quay lại, du khách sẽ có thêm 1 ngày dừng chân ở Đà Nẵng. |
THU HÀ