.

Môi trường du lịch: Vẫn còn những hình ảnh chưa đẹp

.

Đà Nẵng đang hướng tới môi trường du lịch an toàn, lành mạnh, thân thiện, là điểm đến của du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, nếu các đơn vị quản lý du lịch không quyết liệt trong công tác kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm sẽ ảnh hưởng xấu đến mục tiêu mà thành phố đang hướng tới.

Xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện để Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện để Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng cho thấy, đến hết tháng 10-2015 lượng khách du lịch đến Đà Nẵng ước đạt 4.039.572 lượt, tăng 124,1% so với cùng kỳ năm 2014, bằng 91,2% so với kế hoạch. Trong đó khách quốc tế đạt 977.033 lượt, tăng 131,2% so với cùng kỳ năm 2014; khách nội địa đạt 3.062.539 lượt, tăng 122,1%.

Tổng doanh thu du lịch ước đạt 11,006 tỷ đồng, tăng 130,7% so cùng kỳ năm 2014, bằng 93,3% kế hoạch. Có thể thấy, du lịch Đà Nẵng đang trên đà phát triển, ngày càng khẳng định ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Tuy nhiên, một số đối tượng đã lợi dụng tăng giá các sản phẩm dịch vụ, xảy ra tình trạng “chặt chém” ở các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống…

Điển hình như một du khách bức xúc về việc bị một quán ăn ở đường Hoàng Sa nâng giá vô lý; một số cửa hàng như cửa hàng hải sản khô Hưng Phát (đường Võ Văn Kiệt), cửa hàng hải sản khô Miền Trung Bà Nà (đường Nguyễn Tất Thành) thường xuyên đưa các đối tượng cò mồi đến các địa điểm du lịch đông đúc để chèo kéo du khách, mồi chài, ép hướng dẫn viên du lịch, lái xe phải đưa khách đến mua sắm, ăn uống tại các cơ sở kinh doanh của hai cửa hàng này; nếu không thực hiện theo yêu cầu sẽ bị chúng gọi điện hăm dọa hành hung.

Gần đây nhất là tình trạng “cò khách” du lịch (chủ yếu là khách nước ngoài) tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn ngang nhiên chèo kéo, mồi chài khách vào những địa điểm quen của chúng…

Bên cạnh đó, không ít các sơ sở lưu trú từ 1-3 sao được các chủ đầu tư xây dựng một cách tự phát, thiếu khảo sát, thiếu thông tin thị trường, thiếu thông tin về các tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn, kinh doanh không hiệu quả dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá… Anh Trương Thanh Sơn, Giám đốc điều hành khách sạn Avatar, cho rằng công tác quản lý giá các khách sạn tầm trung 2-3 sao của cơ quan quản lý Nhà nước chưa hiệu quả.

Phần lớn các chủ khách sạn tự đưa ra giá bán dịch vụ rồi thông báo với cơ quan quản lý về giá của đơn vị mình và niêm yết theo giá đã thông báo, từ đó dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các khách sạn với nhau. Anh Sơn đề xuất, những khách sạn cùng một hạng sao nên đưa ra giá chung để cạnh tranh nhau bằng chất lượng dịch vụ; khi đó khách sạn nào làm tốt, có nguồn nhân lực tốt, uy tín thì khách sẽ tự tìm đến.

Là người dân sống gần biển Mỹ Khê, anh Trần Minh Hoàng (28 tuổi) phàn nàn về tình trạng giao thông lộn xộn ở khu vực đông khách sạn, nhà hàng, ô-tô đón, trả khách ra vào nườm nượp khiến người đi đường thấy rất bất tiện, thậm chí nhiều ô-tô đậu cả trên vỉa hè, du khách phải đi dưới lòng đường.

Trước thực trạng trên, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng thừa nhận rằng tình trạng chèo kéo khách, nâng giá dịch vụ không đúng quy định… vẫn có một vài trường hợp xảy ra chứ không thể tuyệt đối là không có. Tuy nhiên đây chỉ là hiện tượng, không phải là bản chất của du lịch Đà Nẵng nên cũng đã cương quyết xử lý các trường hợp này.

Ông Trần Chí Cường cũng cho rằng, riêng với những đơn vị vi phạm về niêm yết giá, chèo kéo khách, sau khi xử phạt sẽ giao cho địa phương tiếp tục theo dõi, nếu tái phạm thì sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh.

Mới đây, UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch có giao nhiệm vụ cụ thể tới các đơn vị liên quan. Ngay khi thành phố ban hành kế hoạch, Sở VH-TT&DL rốt ráo đề nghị các khu, điểm tham quan du lịch bố trí lực lượng bảo vệ, an ninh thường xuyên kiểm tra, lắp đặt camera an ninh, theo dõi tình hình các hoạt động trong khu vực của đơn vị để đảm bảo an toàn cho du khách.

“Từ đây đến cuối năm chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Công thương rà soát lại các cơ sở bán đồ đặc sản cho khách du lịch, yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện các quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, không được tùy tiện tăng giá, ép khách…”, ông Cường cho hay.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Công thương Lữ Bằng, cho biết sở cũng đã yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường triển khai giám sát các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ, bán hàng tại các khu điểm du lịch, điểm dừng chân trên các tuyến du lịch, thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết trong quý 4 năm nay.

Bài và ảnh: Thu Hà

;
.
.
.
.
.