Hiện nay mạng Internet là kênh tiếp thị chủ yếu được các doanh nghiệp (DN) du lịch Đà Nẵng lựa chọn để giới thiệu sản phẩm cho đơn vị mình. Với hình ảnh bắt mắt, thông tin du lịch đa dạng và nhiều loại hình ngôn ngữ, các trang điện tử đã mang lại hiệu quả cao trong việc quảng bá du lịch của địa phương.
Việc quáng bá hình ảnh du lịch qua mạng Internet đã giúp gia tăng lượng khách đến thành phố. |
Tiết kiệm thời gian và chi phí
Khách du lịch trong và ngoài nước đang ngày càng có xu hướng lựa chọn công cụ Internet để tìm kiếm thông tin du lịch trước khi đặt mua tour hợp với sở thích và chi tiêu của mình. Đặc biệt, với những du khách ở xa không thể tiếp cận thông tin du lịch qua tư vấn trực tiếp thì mạng Internet là hình thức mua tour đơn giản và nhanh nhất.
Nội dung và hình thức của các trang tin điện tử về du lịch nhìn chung đã đáp ứng được nhu cầu tìm kiếm thông tin của du khách như giới thiệu về văn hóa và lịch sử địa phương; giới thiệu các điểm đến, các hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn...
Ngoài tiếng Việt, nhiều trang còn có tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nga… đã thu hút lượng lớn khách nước ngoài truy cập. Đại diện các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng cho hay, khoảng 50-70% du khách tìm kiếm thông tin du lịch thông qua mạng Internet, trong đó có hơn 70% số người đã quyết định đặt tour qua mạng.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng cho rằng, việc quảng bá du lịch qua Internet là giải pháp tiếp thị được ngành du lịch thành phố ưu tiên khi thực hiện chiến lược phát triển du lịch trong giai đoạn mới. Với những lợi thế của công nghệ mới, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, du khách có thể dễ dàng tra cứu mọi thông tin du lịch về điểm đến để lên kế hoạch đặt tour cho bản thân và gia đình.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Đà Nẵng, việc phát triển các trang điện tử phục vụ quảng bá du lịch là yếu tố quan trọng để xúc tiến điểm đến của địa phương, thúc đẩy nhanh lượng khách đến thành phố, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách. Hiện đa phần các đơn vị lữ hành như Vietravel, Saigontourist, Vitours, Fiditours… đều xây dựng trang thông tin điện tử riêng để quảng bá các sản phẩm du lịch và thiết lập kênh giao dịch trực tuyến.
Theo kết quả nghiên cứu thị trường khách quốc tế của Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, khách du lịch châu Á tìm hiểu thông tin du lịch Đà Nẵng qua mạng Internet chỉ chiếm khoảng 30%, trong khi lượng khách châu Âu chiếm đến 80-90%; trong đó có khoảng 68% du khách Nga, 50% du khách Pháp… “Không chỉ các doanh nghiệp du lịch được hưởng lợi mà với du khách, đặc biệt là khách quốc tế, việc tìm hiểu thông tin du lịch qua mạng Internet và mua tour qua trang thông tin điện tử đem lại nhiều tiện ích như tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, lựa chọn điểm đến phù hợp với sở thích của bản thân...”, ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Đà phân tích. Theo tính toán của các công ty lữ hành, việc mua bán tour qua mạng sẽ tiết kiệm được khoảng 20-30% chi phí và trên 90% thời gian cho khách du lịch.
Truyền thông qua Internet
Các hãng lữ hành địa phương nhận định, Internet đã mở ra con đường ngắn nhất đưa du khách đến với các điểm đến du lịch của Đà Nẵng. Đây còn được gọi là một dạng “du lịch trong tầm tay”. Vì vậy, một trong những mũi nhọn của chiến lược quảng bá, xúc tiến điểm đến mà ngành du lịch địa phương cần đầu tư là công tác truyền thông qua Internet. Đã có nhiều sự kiện du lịch của Đà Nẵng như Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, Cuộc thi chạy Marathon quốc tế… nhờ công tác truyền thông qua mạng Internet đã gây tiếng vang lớn, thu hút nhiều du khách quốc tế, tạo nên thương hiệu riêng cho ngành du lịch Đà Nẵng.
Tuy nhiên, hiện nay công tác truyền thông qua Internet vẫn còn hạn chế, một mặt do thiếu kinh phí, mặt khác do các DN vẫn chưa có tiếng nói chung trong việc liên kết hỗ trợ thông tin cho nhau. “Để tận dụng tối đa các lợi ích từ truyền thông Internet, cần phải xây dựng một chiến lược quảng bá dài hơi và chuyên nghiệp, chứ không phải mạnh DN nào DN đó làm như hiện nay”, đại diện một DN lữ hành cho hay.
Ngành du lịch thành phố đang tích cực quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương qua việc thông tin tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, xây dựng các sản phẩm quảng bá du lịch, tổ chức và tham gia các sự kiện xúc tiến trong và ngoài nước...
Theo đại diện các hãng lữ hành, để các hoạt động này mang lại hiệu quả cao thì công tác truyền thông qua mạng Internet là yếu tố cần thiết. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia mạng khuyến cáo, DN cũng như ngành du lịch địa phương nên thuê các công ty chuyên nghiệp để tư vấn về truyền thông online để tạo sự chuyên nghiệp, hạn chế các lỗi trong quá trình sử dụng trang thông tin điện tử.
Điều này sẽ giúp kết nối các DN du lịch địa phương lại với nhau, giúp DN quảng bá sản phẩm một cách bài bản. Bên cạnh đó còn tạo thêm nhiều kênh thông tin mạng xã hội, tiếp cận được nguồn khách tiềm năng, tìm hiểu nhu cầu và ghi nhận ý kiến đánh giá của du khách để DN có chiến lược làm du lịch bền vững và dài hơi.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN