Cơ hội hợp tác, phát triển du lịch tàu biển

.

Chiều ngày 15-11, Sở Du lịch thành phố tổ chức hội nghị quốc tế về phát triển du lịch tàu biển Đà Nẵng 2018 với sự tham dự của gần 100 đại biểu trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng nhấn mạnh, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nói chung và tàu biển nói riêng. Hội nghị

Du lịch tàu biển lần này được tổ chức để quảng bá điểm đến và khai thác thế mạnh của du lịch thành phố Đà Nẵng là du lịch biển, nghỉ dưỡng biển và du lịch công vụ; đồng thời tìm giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch thành phố, tiếp tục thu hút khách du lịch tàu biển đến Đà Nẵng nhiều hơn nữa trong thời gian đến. Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng cho rằng hội nghị lần này cũng tạo cơ hội gặp gỡ giao lưu, liên kết giữa các hãng tàu, các công ty lữ hành quốc tế với các đơn vị kinh doanh thương mại, đầu tư và du lịch trên địa bàn thành phố. Những ý kiến tại hội nghị lần này sẽ được Sở Du lịch tổng hợp và trình lãnh đạo thành phố để phát triển hơn nữa du lịch Đà Nẵng.

Theo Sở Du lịch, trong giai đoạn từ 2012-2017 với sự gia tăng của các chuyến tàu khách cập cảng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm về tổng số lượt khách du lịch tàu biển đạt 10,8% và số chuyến tàu đạt 5,4%. Đến nay, nhiều hãng tàu biển nổi tiếng trên thế giới đã cập cảng Đà Nẵng như: Star Cruises, Costa Cruises, Dream Cruises, MSC Cruises, Azamara Cruises, Seabourn Cruises... đưa khách du lịch từ các thị trường Úc, Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Anh, Nhật, Trung…đến Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.

Qua trao đổi, các đại biểu cho rằng, hạn chế lớn nhất của Đà Nẵng là vẫn chưa có cảng biển chuyên dụng để phục vụ đón khách du lịch tàu biển. Thành phố còn thiếu những cụm mua sắm - ẩm thực - vui chơi giải trí quy mô lớn với tiêu chuẩn quốc tế, trung tâm siêu thị miễn thuế, sản phẩm lưu niệm đặc thù địa phương...

Đa số doanh nghiệp còn yếu về mạng lưới khách hàng, tài chính và kinh nghiệm khai thác. Do đó, các doanh nghiệp đề xuất, thành phố cần có chính sách hỗ trợ các đơn vị kinh doanh lữ hành để trực tiếp tìm kiếm, kết nối với các hãng tàu nhằm khai thác nguồn khách trên thế giới cũng như tổ chức đón khách tại cảng; chính sách hỗ trợ các hãng tàu để thuận lợi trong việc làm thủ tục cập cảng; đồng thời, hỗ trợ ưu tiên tàu khách cập cảng cũng như bảo đảm vệ sinh môi trường và an ninh - an toàn; thực hiện khảo sát, nghiên cứu thị trường nhằm đưa ra những sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của từng thị trường khách và phù hợp với các tour, tuyến...

THU HÀ
 

;
.
.
.
.
.
.