Trong những năm qua, được sự đầu tư của thành phố, du lịch đường sông đã có nhiều thay đổi nhưng để thực sự bứt phá, trở thành hoạt động hấp dẫn thu hút khách du lịch thì vẫn còn nhiều việc phải làm.
Du lịch đường sông dù có nhiều thay đổi nhưng chưa bứt phá. Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN |
Tiềm năng lớn
Hai năm trở lại đây, lượng khách du lịch đường thủy đã có sự chuyển biến rõ rệt. Vào các buổi tối, nhất là những ngày cuối tuần, khu vực cảng Sông Hàn cũ (trước khách sạn Novotel, đường Bạch Đằng) luôn tấp nập khách vào ra.
Theo Sở Du lịch thành phố, với 20 tàu du lịch đủ điều kiện hoạt động trên tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý, năm 2017, lượng khách du lịch đường sông của Đà Nẵng khai thác khoảng hơn 350.000 lượt, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2016. Trong 9 tháng đầu năm 2018, đội tàu đã đón khoảng hơn 350.000 lượt, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2017, có ngày đón trên 2.500 lượt khách.
Thị trường khách du lịch đường thủy hiện nay chủ yếu là khách quốc tế; trong đó, khách Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm 85%, khách nội địa khoảng 10%, còn lại 5% là khách du lịch đến từ các quốc gia khác. Tuy nhiên, các tour du lịch khai thác đường sông vẫn còn khá nghèo nàn, mới chỉ tập trung vào tham quan các cây cầu trên tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý.
Đến Đà Nẵng nghỉ dưỡng, bà Nguyễn Thị Thu (du khách Hà Nội) chia sẻ: “Đi dạo sông Hàn bằng du thuyền được thưởng ngoạn Đà Nẵng về đêm rất thú vị. Không khí mát mẻ, cảnh đẹp. Tuy nhiên, tour mới chỉ dừng ở ngắm nhìn và chụp ảnh các cây cầu trên sông. Nếu có thêm dịch vụ gì đó khác thì sẽ thích hơn”.
Là đơn vị trực tiếp khai thác khách du lịch đường thủy, ông Lê Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH TM&DV An Pha Sơn trăn trở, thực tế, các tàu trên sông Hàn mới chỉ khai thác tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý. Thời gian mỗi tour từ 40-50 phút nên còn khá đơn giản. Dù thành phố đã có kế hoạch mở rộng các tuyến du lịch đường sông mới nhưng vẫn chưa triển khai được.
Ông Phú bày tỏ: “Thành phố nên có một thiết kế chung cho đội tàu vì khi có thiết kế chung rồi, doanh nghiệp chỉ cần xin bản thiết kế chuẩn đó và đóng theo mẫu.
Ở góc độ doanh nghiệp, tôi cũng mong muốn đội tàu có biểu tượng, hình ảnh, màu sắc, nhận diện riêng biệt, để khi nhìn vào, du khách biết đó là đội tàu trên sông Hàn của thành phố Đà Nẵng. Khi có đội tàu với mẫu thiết kế giống nhau sẽ triển khai bán vé kiểu xoay vòng để tàu nào cũng có khách; tránh tình trạng tranh giành khách, giảm giá vé, ảnh hưởng chung đến chất lượng cũng như thương hiệu du lịch đường thủy”.
Ông Phú đề xuất, nếu được thì nên tăng thời gian hoạt động trên sông đến sau 23 giờ vào những ngày cuối tuần để du khách có thể xem cầu Sông Hàn quay.
Chủ một tàu khách đang hoạt động trên sông Hàn cho rằng, hiện nay bến cảng phục vụ khách vẫn là bến tạm, cảng tạm, chưa có cầu tàu, bến bãi, khó thu hút khách.
“Cần rút ngắn thời gian làm thủ tục cấp bến để du khách không phải chờ đợi lâu. Ngoài ra, thủ tục cấp phép theo quy định đối với tuyến vận tải sông Hàn - Hòn Chảo, tuyến sông Hàn - cửa biển - bán đảo Sơn Trà vẫn còn chậm vì theo quy định phải có bến đi và bến đến nhưng hiện nay chỉ có bến đi mà chưa có bến đến nên chưa được cấp phép. Điều này đã ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển du lịch đường thủy nội địa của thành phố, nhất là khai thác tiềm năng du lịch vịnh Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà.
Cần được đầu tư
Theo đánh giá của các đơn vị lữ hành, du lịch đường sông của Đà Nẵng có tiềm năng lớn vì sông Hàn nằm ngay trong lòng thành phố, vừa chạy thẳng ra cửa biển, vừa có thể ngược lên vùng đồng quê, dễ hình thành các sản phẩm du lịch theo tour, tuyến.
Theo ông Nguyễn Văn Tài, Phó Giám đốc Công ty CP Dịch vụ du lịch Bến Thành (Benthanh Tourist) - chi nhánh Đà Nẵng, cần đưa ra các phương án, hình thành một đội tàu phục vụ du lịch đường thủy một cách chuyên nghiệp.
Đồng thời, thành phố mở các tour, tuyến sản phẩm đi tới các vùng đồng quê như: Túy Loan, Thái Lai, K20… kết hợp để du khách tham quan các di tích, thắng cảnh tại các điểm này cũng như trải nghiệm các dịch vụ đồng quê để thu hút khách, nhất là khách quốc tế.
Cần sớm mở rộng thêm các sản phẩm du lịch đường thủy để phục vụ du khách. Trong ảnh: Du khách xuống tàu sau khi tham quan tour Thưởng ngoạn sông Hàn về đêm. |
Vừa qua, UBND thành phố đã đồng ý cho phép 17 đơn vị đóng 24 tàu mới, trong đó có 22 tàu hoạt động tuyến sông, biển và 2 tàu hoạt động tuyến sông. Việc đầu tư đóng mới tàu theo tiêu chuẩn quy định đã nâng cao chất lượng đội tàu du lịch về phương tiện, bảo đảm an toàn và đáp ứng nhu cầu phục vụ khách trên các tuyến du lịch được công bố sắp tới.
Tuy nhiên, về việc đầu tư cầu tàu, Ban quản lý các dự án Đầu tư công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố đã hoàn thành xây dựng bến mềm công trình CT15, nhưng vẫn chưa tổ chức nghiệm thu và làm các thủ tục công bố bến thủy nội địa.
Đối với các bến mềm khác như: K20, Túy Loan, Thái Lai, tiến độ triển khai xây dựng còn chậm, chưa hoàn thiện để đưa vào phục vụ, gây khó khăn cho hoạt động du lịch đường thủy thời gian qua.
Giám đốc Sở Du lịch thành phố Ngô Quang Vinh cho biết, bên cạnh việc xúc tiến, giới thiệu tiềm năng du lịch đường sông tại các thị trường khách quốc tế, đơn vị đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng đi khảo sát các tuyến như: sông Hàn - cửa biển - bán đảo Sơn Trà; sông Hàn- Hòn Chảo; sông Hàn - Ngũ Hành Sơn… nhằm đánh giá thực trạng tuyến để tham mưu lãnh đạo thành phố cho phép tàu hoạt động phục vụ khách.
Theo ông Vinh, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm khai thác được các tiềm năng của đường thủy, thành phố cần sớm đầu tư cảng Sông Hàn, cảng Sông Thu (cũ) thành cảng chuyên phục vụ cho du lịch đường thủy nội địa, có nhà chờ, khu vực nghỉ chân, khu bán hàng lưu niệm, khu vực cho lực lượng làm nhiệm vụ…; đồng thời gấp rút hoàn thành, làm các thủ tục nghiệm thu và công nhận các bến: CT15, K20, Túy Loan, Thái Lai để đưa vào khai thác tuyến du lịch đã được quy hoạch, hoàn thiện các đề án phát triển du lịch về sinh thái, cộng đồng, di tích lịch sử…
Bài và ảnh: THU HÀ