Hơn 10 năm qua, Đà Nẵng đã di dời, giải tỏa trên 72.000 hộ dân trong cuộc chỉnh trang vĩ đại góp phần quan trọng vào quá trình đô thị hóa. Thế nhưng, hiện có một số người dân thành phố, vì nhiều lý do, vẫn chưa chọn cho mình một cuộc sống an cư để lạc nghiệp.
101 kiểu bán nhà
Một số hộ ngư dân “du cư” vì muốn tìm lại nghề nghiệp cũ. |
Năm 2000, gia đình anh Đoàn Văn A (còn gọi là Thêm) ở tổ 17 khu vực 2 An Cư, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, nhận được 90 triệu đồng tiền đền bù giải tỏa để tái định cư tại chỗ. Trả tiền đất hết 30 triệu, còn lại bao nhiêu đổ vào làm nhà trên đường Bùi Hữu Nghĩa, xong là “phủi tay” - theo cách nói của anh. Hai năm sau, tai nạn giao thông làm anh chấn thương vùng sườn, không thể tiếp tục làm nghề chạy xe thồ. Anh mang “sổ đỏ” đi thế chấp vay ngân hàng 50 triệu đồng để vừa trả tiền chạy chữa cho mình, vừa mở cho vợ một sạp bán hàng xén ngay trước hiên nhà.
Thu nhập có là bao, vợ anh bán rau hành, hai đứa con chưa có công ăn việc làm ổn định. Chưa kể vốn, mỗi tháng vợ chồng anh phải trả 700 nghìn đồng tiền lãi, nghĩa là mỗi ngày mở cửa ra là thấy mất hơn 20 nghìn đồng. Chịu không thấu, đành bán nhà, trả xong nợ ngân hàng còn dư được 155 triệu đồng, anh mua một miếng đất, làm nhà mới ở tổ 26 phường Phước Mỹ gần chợ Bà Kỷ. Anh làm nghề sơn nhà, vợ anh bán rau hành, hoa quả ngoài chợ, cả hai gắng giữ không để diễn ra cảnh “du cư” nữa.
Ở tổ 6 phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, xảy ra một chuyện hi hữu hơn: Bán nhà tình thương. Chị Trần Thị Hẹn thuộc diện hộ nghèo ở nhà tạm, được địa phương xét hỗ trợ 10 triệu đồng từ Quỹ Vì người nghèo để xây một nhà tình thương.
Lúc bàn giao nhà, Mặt trận phường không quên dặn dò một cách đầy tình nghĩa rằng, nhà tình thương chỉ ở chứ không được bán. Nhưng mới được 2 năm, qua “tư vấn” của các tay cò đất, chị trả nợ tiền đất cho Dự án Bạch Đằng Đông rồi chạy thẳng một lèo ra công chứng làm thủ tục bán nhà.
Ở các khu chung cư, cảnh đổi chủ các căn hộ diễn ra càng dễ dàng hơn. Thượng úy Trần Toàn Thắng, công an khu vực Hòa Phú 4, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, nói về trường hợp bà Lê Thị Đậu (nguyên ở tổ 86 phường An Khê, quận Thanh Khê) vào ở khu chung cư Hòa Phú 4 từ năm 2000. Tháng 7-2004, bà “ủy quyền” căn hộ chung cư cho ông Văn Tấn Tài ở tổ 29C phường Chính Gián. Tháng 12-2007, ông Tài lại tiếp tục “ủy quyền” cho một người khác là ông Nguyễn Anh Đức từ tổ 43 phường Tân Chính đến.
Thủ tục mua bán, chuyển nhượng nhà cửa dễ dàng cộng với sự thông thoáng của Luật Cư trú mới đã dẫn đến thực trạng này.
Cơ quan chức năng nói gì?
Các hộ tái định cư, vào khu chung cư không phải ai cũng tìm được công ăn việc làm với mức thu nhập ổn định để có thể qua ngày được. Tâm lý chung, có được tiền đền bù kha khá là các hộ thường đổ xô đi mua sắm, tiêu xài mà ít lo nghĩ đến chuyện làm ăn lâu dài. Đến khi cụt vốn thì đã quá trễ, chỉ còn nước bán nhà to, mua nhà nhỏ, hoặc vào chung cư để “dễ sống hơn”. Một số hộ bán nhà vì thấy giá đất lên cao, nhận tiền xong chạy qua các vùng chưa giải tỏa, vùng quy hoạch “treo” mua lại đất khác theo hình thức trao tay hoặc lấn chiếm trái phép.
Tình trạng không “trụ” được ở các khu tái định cư một phần do nông dân không có đất sản xuất. |
Có điều, họ đi đâu, về đâu, không phải ai cũng biết. Gần gũi dân nhất như ông Trịnh Văn Hinh, Bí thư chi bộ tổ 17 An Cư 2, phường An Hải Bắc, nơi có không dưới 10 trường hợp bán nhà như thế, cũng lắc đầu: “Họ sè sẹ bán nhà chuyển đi chứ có nói chi mô. Lâu sau, thấy người cũ mất dạng, người mới đến ở, mới biết nhà đó đã đổi chủ”.
Chính quyền địa phương không biết dân mình đi đâu? Mới nghe cứ như là chuyện lạ. Nhưng là chuyện lạ có thật, như lời “thú thực” của ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh và ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy phường Nại Hiên Đông. Theo các ông, khi chủ các lô đất được cấp theo diện giải tỏa muốn chuyển nhượng cho người khác thì phải đến UBND xã, phường sở tại xác nhận để làm thủ tục đổi tên người nhận quyền sử dụng đất. Nhưng nếu trên lô đất đã có vật kiến trúc (như nhà ở), thì khi muốn bán, chủ sở hữu không bị ràng buộc phải qua địa phương xác nhận để làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất ở và nhà ở. Vì thế, ai bán cứ bán, ai mua cứ mua, địa phương khó mà kiểm soát được.
Hệ quả an sinh xã hội
Người bán nhà chuyển đi nơi khác sẽ làm giảm hộ nghèo ở nơi cư trú cũ, nhưng lại góp phần làm tăng hộ nghèo ở nơi cư trú mới. Đến nơi ở mới, bản thân các hộ này sẽ càng nghèo hơn bởi nhiều lẽ: Nhà mới sẽ nhỏ hơn, tạm bợ hơn, cuộc sống bấp bênh vì đất đai chưa ổn, công ăn việc làm lơi bơi; nếu vào ở chung cư thì tình trạng cũng không khá hơn.
Một số căn hộ ở chung cư Nại Hiên Đông đã được bán theo hình thức “viết tay, trao tiền”, không sang tên |
Nhiều địa phương hiện “đau đầu” vì bài toán hỗ trợ cho các hộ nghèo thuộc diện tái định cư. Phường Hòa Minh hiện có gần 500 hộ nghèo, phần lớn là các nơi khác đến, họ mang theo giấy chứng nhận hộ nghèo ở địa phương cũ để được tiếp tục hưởng các chế độ hỗ trợ ở nơi cư trú mới. Thêm vào đó, tình trạng một số hộ ở chung cư âm thầm chuyển nhượng qua nhiều chủ đã dẫn đến nguy cơ mất trật tự xã hội; người ở trước nhận xong tiền chuyển căn hộ là đi ngay, nhiều khi không để lại giấy tờ gì cho người đến sau. Như trường hợp ông Nguyễn Anh Đức nói trên, Công an phường đành cấp sổ tạm trú cho ông để quản lý.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy phường Nại Hiên Đông đề nghị Nhà nước nên xử lý nghiêm những trường hợp đã bố trí nhà chung cư nhưng không ở hoặc đem bán. Đối với các hộ đã có đất, có nhà tái định cư mà bán đi mua đất làm nhà trái phép thì không đền bù. Riêng các trường hợp bán nhà, nên chăng phải qua xác nhận của UBND xã, phường nơi bán để tránh tình trạng các hộ bán nhà xong là địa phương không biết đi đâu, về đâu.
Tuần trước, tại buổi họp đánh giá tình hình công tác quản lý quy hoạch, giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư năm 2008, UBND thành phố đã cho phép các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà và Liên Chiểu được thành lập lực lượng chống xây dựng công trình, nhà ở trái phép. Đây sẽ là một trong những giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng “du cư” không đáng có của một số hộ như hiện nay.
VĂN THÀNH LÊ
TIN LIÊN QUAN
Tin liên quan