Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh thành phố Đà Nẵng, tính đến cuối tháng 10-2012, nợ xấu của các NH trên địa bàn là 2.110 tỷ đồng, chiếm 4,28% trên tổng dư nợ, tăng đến 169,3% so với cuối năm 2011. Trong đó, khối NHTM Nhà nước và CP Nhà nước chi phối 4,86%, khối NHTMCP, NH liên doanh và NH 100% vốn nước ngoài chiếm 3,84%.
Thị trường bất động sản rớt giá khiến NH lúng túng trong xử lý TSBĐ. (ảnh mang tính minh họa) |
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng tăng qua từng tháng. Nếu như tháng 1-2012, tỷ lệ này là 1,68% trên tổng dư nợ thì tháng 2 là 1,85%, tháng 3 là 2,49%, tháng 4 là 3,4% và cuối tháng 10 đã là 4,86%... Mặc dù hầu hết các khoản nợ xấu này đều có tài sản bảo đảm nợ vay (TSBĐ). Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, tính thanh khoản của các loại tài sản thế chấp rất yếu nên khả năng thu hồi nợ của các NH bị hạn chế. Hơn nữa, thị trường bất động sản đóng băng trong một thời gian dài cũng khiến việc xử lý tài sản thế chấp loại hình này tại các NH rất khó khăn và lúng túng.
Ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Giám đốc NHTMCP An Bình - Chi nhánh Đà Nẵng, cho biết theo quy định bắt buộc, các NH luôn phải trích nguồn dự phòng rủi ro để đề phòng nợ xấu. Vì vậy, khi nợ xấu tăng dần thì việc xử lý TSBĐ được coi là giải pháp nhanh để các NH thu hồi nợ, dù nhiều khi số tiền thu được từ việc xử lý TSBĐ có thể thấp hơn số vốn NH đã bỏ ra cho vay. Ví dụ trước đây, vào thời điểm cao nhất, một lô đất nội thành tại Đà Nẵng giao dịch ở mức trên dưới 1 tỷ đồng. Các NH dựa vào giá thị trường cho vay có bảo đảm với tỷ lệ tối đa 75% trên giá trị tài sản thế chấp, như vậy khách hàng có thể vay 750 triệu đồng khi cầm cố sổ đỏ của lô đất đó. Nay giá đất rớt mạnh, còn dưới 500 triệu đồng, NH có xử lý được TSBĐ này cũng mất 250 triệu đồng, đó là chưa kể lãi vay.
Bên cạnh một số TSBĐ để vay khó xử lý như tài sản không có giấy tờ về quyền sở hữu như nhà xưởng, công trình hình thành trên đất thuê, dây chuyền máy móc, thiết bị đã cũ, hết thời hạn khấu hao rất khó phát mãi, chuyển nhượng... thì nhiều NH đã rất thụ động và lúng túng vì không có thẩm quyền kê biên và cưỡng chế khi bên vay chây ỳ, không bàn giao TSBĐ để xử lý thu hồi nợ. Vì vậy, các NH thường phải đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ, giúp đỡ trong các trường hợp này. Mặt khác, thủ tục xử lý TSBĐ để thu hồi nợ là vấn đề phức tạp. Theo các NH, thủ tục xử lý tài sản phải qua quá nhiều cơ quan, nhiều cấp xử lý, khởi kiện ở tòa án, trung tâm thi hành án, cơ quan định giá tài sản, trung tâm đấu giá... dẫn đến mất quá nhiều thời gian và chi phí. Hơn nữa, một số tài sản thế chấp chưa hoàn thành đầy đủ thủ tục chứng nhận sở hữu gây khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác có nhu cầu mua, thanh lý tài sản bảo đảm... Theo lãnh đạo Văn phòng đại diện NHNN&PTNT khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trong thời gian qua, Văn phòng cũng đã cảnh báo rủi ro cho các chi nhánh về các trường hợp dùng TSBĐ để vay, đơn cử: 1 doanh nghiệp có TSBĐ bằng thép cuộn và thép cây có dư nợ 57 tỷ đồng; 1 doanh nghiệp có dư nợ hơn 11 tỷ đồng nhưng TSBĐ không bảo đảm; một khách hàng vay liên chi nhánh, 3 khách hàng có biểu hiện dùng TSBĐ để vay... Đáng chú ý, hiện Công ty Tân Cường Thành đang có dư nợ 256 tỷ đồng, tài sản thế chấp hình thành từ vốn vay là dây chuyền máy móc, thiết bị nhưng đã cũ, hết thời gian khấu hao dẫn đến việc khó phát mãi, chuyển nhượng. Công ty Nhựa Quang Thanh dư nợ 9,1 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Hưng Phát dư nợ 22,2 tỷ đồng, tài sản thế chấp hình thành từ vốn vay là máy móc, thiết bị, hàng hóa khó phát mãi chuyển nhượng. Công ty Vịnh Vàng dư nợ 18,8 tỷ đồng, tài sản thế chấp lô hàng xuất khẩu cá các loại, nhưng thực tế tài sản không hình thành. Công ty TNHH Hải Hà dư nợ đến 51 tỷ đồng nhưng tài sản thế chấp hình thành là ô-tô, nhà xưởng, máy móc, thiết bị và dự án nuôi cá... giờ đã xuống cấp nên rất khó xử lý. Đó là một số trường hợp trong hàng trăm món nợ vay được cho là nợ xấu hiện hữu tại các NH nhưng khó xử lý dứt điểm để thu hồi. Bên cạnh đó, để bán tài sản thế chấp (thường là bất động sản), NH phải mất 3 - 5 năm, thậm chí lâu hơn, khiến NH gặp khó khăn trong xử lý nợ xấu.
Theo phân tích của đại diện Văn phòng Ngân hàng NN&PTNT khu vực miền Trung - Tây Nguyên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ xấu như doanh nghiệp làm ăn thua lỗ; doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn không đúng mục đích; cán bộ tín dụng thẩm định hời hợt, “tay trong tay ngoài” với người vay... Tuy nhiên, bất luận nguyên nhân phát sinh nợ xấu như thế nào thì việc phải xử lý nợ xấu bằng TSBĐ vẫn luôn là điều mà các NH không mong muốn.
Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN