.

Timothy Geithner và “sứ mệnh giải cứu”

.

Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, ông Timothy Geithner, đã trở thành Bộ trưởng Tài chính mới, người sẽ chèo lái nền kinh tế Mỹ vượt qua khủng hoảng dưới “triều đại” tân Tổng thống Barack Obama.

Tân Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner đang là niềm hy vọng của ông Barack Obama trong kế hoạch giải cứu nền kinh tế. (Ảnh: Reuters)

Khi Timothy Geithner bắt đầu công việc tại Cục Dự trữ liên bang (FED) New York vào tháng 11-2003, ông gặp không ít khó khăn vì nhiều người vẫn chưa thật sự tin tưởng vào khả năng của ông. Nhưng Geithner đã nhanh chóng chứng minh năng lực của mình trong việc dự đoán những rủi ro đối với hệ thống tài chính Mỹ, đồng thời có những bước đi thận trọng, khôn ngoan khi cân bằng giữa quyền lợi của Phố Wall và công chúng.

Geithner là người tham gia tích cực vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ, ngay khi nó xuất hiện vào tháng 8-2007. Ông phối hợp với FED trong kế hoạch 30 tỷ USD để dàn xếp cho tập đoàn kinh tế JP Morgan thâu tóm ngân hàng Bear Stearns. Ông cũng là trung tâm của các cuộc đối thoại về một loạt các tổ chức tài chính từ Lehman Brothers cho đến “đại gia” ngành bảo hiểm Mỹ AIG. Tháng 10-2008, khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Henry Paulson và FED quyết định rót vốn trực tiếp vào ngành ngân hàng, Geithner là người phác thảo ra tổ chức nào sẽ nhận tiền và bảo đảm rằng chương trình sẽ không chỉ dành cho những tổ chức chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Ông cũng là quan chức đầu tiên của FED tranh cãi công khai về đề nghị của Bộ Tài chính Mỹ rằng quyền giám sát trực tiếp các ngân hàng của FED sẽ bị giảm.

Tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ sinh năm 1961 tại New York. Ông từng sống tại Đông Phi, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và Nhật. Geithner theo học trung học tại trường quốc tế ở Bangkok và tốt nghiệp Đại học Dartmouth năm 1983 với tấm bằng về nghiên cứu châu Á và chính phủ. 2 năm sau, ông nhận bằng Thạc sĩ về kinh tế quốc tế và nghiên cứu Đông Á từ trường Johns Hopkins. Geithner vào Bộ Tài chính Mỹ từ năm 1988 và làm việc tại nhiều vị trí dưới thời 5 bộ trưởng, được bổ nhiệm làm Chủ tịch FED New York vào tháng 11-2003.

Việc Geithner từng có chân trong Bộ Tài chính, Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York khiến ông có hiểu biết sâu sắc về khủng hoảng kinh tế. Kinh nghiệm, bản lĩnh, sự kiên cường của ông đang là niềm hy vọng của tân Tổng thống Barack Obama. Thâm hụt ngân sách Chính phủ Mỹ trong năm tài khóa 2008 (được tính đến hết tháng 10-2008) đã ở mức cao kỷ lục 455 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với một năm trước đó.

Tân Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithper. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, theo dự báo, mức thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ có thể sẽ còn tăng mạnh hơn nữa, lên đến 1.000 tỷ USD trong tài khóa 2009. Cơ quan Ngân sách Quốc hội Mỹ vừa qua cũng đã công bố mức thâm hụt ngân sách trong tháng 10, tháng đầu tiên của năm tài khóa 2009, ở mức xấp xỉ 232 tỷ USD. Con số này bao gồm 115 tỷ USD trong các ngân hàng được Bộ Tài chính Mỹ mua lại như là một phần của kế hoạch giải cứu thị trường tài chính.

Trong một cuộc họp báo mới đây, Tổng thống đắc cử Obama cũng đã phải thừa nhận rằng nước Mỹ sẽ chịu mức thâm hụt lớn vào năm tới, lớn hơn rất nhiều so với những gì mà người dân Mỹ đã chứng kiến trong một thời gian dài. Tại phiên điều trần của Ủy ban Ngân sách Thượng viện Mỹ tuần trước, ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế hàng đầu và là người đồng sáng lập mạng “Moody"s Economy.com” nói rằng, thâm hụt ngân sách Chính phủ Mỹ có thể dễ dàng vượt qua con số 1.000 tỷ USD trong tài khóa 2009 và thậm chí có thể còn cao hơn vào năm 2010. Các khoản nợ, mà chính phủ liên bang nợ các bang, tập đoàn, cá nhân và nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản khi các nước này mua trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ, đã lên tới 10.000 tỷ USD vào tháng 10 và hiện nay lên tới khoảng 10,6 nghìn tỷ USD.

Tổng thống Obama cho biết những chương trình "không cần thiết" trong ngân sách liên bang sẽ được cắt giảm để lấy tiền chi cho kế hoạch kinh tế cả gói của ông. Vì thế, trong vị trí mới, Geithner sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết tình hình kinh tế đi xuống tệ hại nhất trong nhiều thập kỷ và tạo ra một thể chế tài chính mới. Ông Geithner hiện đang trong guồng máy giải cứu nên việc chọn Geithner sẽ giúp ông Obama có thể có ảnh hưởng trực tiếp vào các hoạt động giải cứu từ nay đến cuối tháng 1-2009 - thời điểm Tổng thống Obama nhậm chức. Geithner cũng sẽ phải giải quyết một loạt các vấn đề khác, từ chính sách thuế đến tài chính và cả việc phải ứng phó với tình hình ngành ô-tô Mỹ bên bờ vực phá sản.

 

Chúng ta cần một gói thúc đẩy lớn để có thể hồi phục kinh tế. Tôi mong chờ được làm việc cùng họ trong những tháng tới. Công việc bắt đầu từ hôm nay vì thực tế là chúng ta không thể hoài phí phút giây nào cả, Tổng thống đắc cử Mỹ Barack Obama khẳng định khi bổ nhiệm Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner và các cố vấn kinh tế cấp cao.

 


PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.