Tương lai chính trị của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak vẫn là một dấu hỏi. Ngày 10-2, các tài xế xe buýt và các nhân viên ngành giao thông công cộng ở Ai Cập đã tiến hành đình công, góp phần tạo nên làn sóng chống Chính phủ với lời kêu gọi lật đổ Tổng thống Mubarak.
Làn sóng biểu tình vẫn tiếp diễn ở Ai Cập. Ảnh: THX |
Ali Fatouh, một tài xế xe buýt ở Cairo cho hay, loại phương tiện này không được sử dụng cho đến khi các yêu cầu của những người đình công được đáp ứng, trong đó có việc tăng lương. Ali Fatouh nói rằng, 62.000 nhân viên đã tham gia đình công.
Cũng trong ngày 10-2, hàng ngàn người biểu tình tiếp tục tham gia vào làn sóng phản đối ông Mubarak, phong tỏa 2 tòa nhà Quốc hội, bất chấp đe dọa đàn áp của Quốc hội. Trong lúc đó, Chính phủ Ai Cập phải chật vật chống lại áp lực từ đồng minh Mỹ và phong trào biểu tình khi cả hai đều yêu cầu cần có sự thay đổi chính trị ngay lập tức tại đất nước này. Hơn nữa, cộng đồng doanh nghiệp và người dân Ai Cập càng quan tâm đến tác động kinh tế sau hơn 2 tuần diễn ra biểu tình. Điều này càng khiến nội các vừa được Tổng thống Mubarak bổ nhiệm cách đây 10 ngày thêm rối khi cố gắng vượt qua thách thức chưa từng có trong 30 năm nhà lãnh đạo này nắm quyền. Quân đội hiện tiếp tục giám sát các hoạt động ở Cairo và các thành phố khác, đồng thời cam kết giúp đưa cuộc sống trở lại bình thường và giữ ổn định chính trị.
Hãng AP cho biết, một số đồng minh Mỹ tại Trung Đông đang gây áp lực lên Chính phủ của Tổng thống Barack Obama nhằm đạt được sự chuyển giao quyền lực dần dần tại Ai Cập. Các quốc gia Arab ôn hòa như Jordan, Saudi Arabia cảnh báo Washington rằng, việc Tổng thống Mubarak rời bỏ cương vị dù theo yêu cầu chủ yếu của lực lượng biểu tình nhưng có thể tạo cơ hội cho các chiến binh trổi dậy và gây bất ổn cho Chính phủ Ai Cập vốn do Mỹ hậu thuẫn. Các lãnh đạo Arab đã thực hiện hàng loạt nỗ lực ngoại giao, bao gồm các cuộc điện đàm giữa Quốc vương Jordan Abdullah II với các quan chức hàng đầu của Mỹ. Theo AP, đây là dấu hiệu gia tăng căng thẳng giữa Chính phủ Washington với các đồng minh tại Trung Đông kể từ khi bùng nổ bất ổn tại Ai Cập vào ngày 25-1.
Mỹ thúc giục các đồng minh của mình tại Trung Đông có trách nhiệm hơn với những kêu gọi trong nước về cải cách. Còn các nhà lãnh đạo Arab lo lắng Washington sẽ gây áp lực buộc các nước này phải xem xét những nhượng bộ đầy rủi ro của lực lượng chống Chính phủ. Trao đổi với Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton, Quốc vương Jordan Abdullah II nói rằng, cần có “cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình và yên lặng ở Ai Cập”. Ngày 10-2, Quốc vương Abdullah II cùng nội các mới gồm 27 thành viên đã tuyên thệ nhậm chức. Jordan cũng đối mặt với tình trạng biểu tình yêu cầu việc làm, giảm giá lương thực và nhiên liệu, thay đổi luật bầu cử vốn bị đánh giá là mang lại nhiều ghế tại Quốc hội cho những người trung thành với Chính phủ.
Các nhà quan sát đang đặt câu hỏi về kịch bản “hậu Mubarak” khi vị Tổng thống không được lòng dân này bị lật đổ và làm sao bảo đảm được việc Mỹ sẽ tiếp tục trút “hầu bao” viện trợ quân sự 1,3 tỷ USD mỗi năm cho đất nước này.
PHÚC NGUYÊN