.

Trung Quốc sẽ chạy thử tàu sân bay

.

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sẽ chạy thử vào tuần tới trong lúc căng thẳng ở Biển Đông vẫn tiếp diễn.

22-6,China’s-first-aircraft-carrier-AP.jpg
Tàu sân bay đang đỗ tại cảng Đại Liên. Ảnh: AP

Nhật báo Thương mại Hồng Kông cho biết, tàu sân bay sẽ được thử nghiệm vào ngày 1-7 nhưng không chính thức hạ thủy cho đến tháng 10 tới. Đầu tháng 6 này, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Tướng Trần Bỉnh Đức đã xác nhận Bắc Kinh đang hoàn thiện một tàu sân bay khổng lồ. Phát biểu của ông Trần Bỉnh Đức là lời xác nhận đầu tiên về con tàu tồn tại trong chương trình quốc phòng bí mật của Trung Quốc.

Việc thử nghiệm tàu sân bay diễn ra trùng thời điểm căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông trong những tuần gần đây. Theo các nguồn tin, Trung Quốc muốn “thể hiện sức mạnh của lực lượng biển để ngăn chặn các quốc gia khác đang để mắt đến Biển Đông nhằm làm dịu căng thẳng”.

Song, các quan chức Trung Quốc trước đó khẳng định: Theo chiến lược quân sự phòng vệ của Bắc Kinh, tàu sân bay đầu tiên của nước này sẽ không đe dọa đến các quốc gia khác. Con tàu dài 300m, từng là tàu sân bay Varyag của Liên Xô cũ, đang đỗ tại cảng Đại Liên, thuộc phía đông bắc Trung Quốc. Một chuyên gia về quân sự của Trung Quốc cũng cho rằng, tàu sẽ được sử dụng để huấn luyện và là mô hình tàu sân bay tương lai do Trung Quốc tự chế tạo.      

Hãng AFP dẫn lời các nhà quan sát nhận định: Việc Trung Quốc sắp chạy thử tàu sân bay đang gây ra những quan ngại về sự mở rộng sức mạnh quân sự của nước này. Bắc Kinh đang đối mặt với những chỉ trích từ các chuyên gia, học giả và nhiều quốc gia khác trên thế giới xung quanh tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Tại Hội thảo về an ninh Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế của Mỹ tổ chức ở Washington tiếp tục diễn ra vào ngày 21-6 (giờ địa phương), các học giả khẳng định: Trung Quốc vi phạm căn bản luật quốc tế. Giáo sư Peter Dutton của Đại học Hải quân Mỹ cho rằng, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đề cập đến quyền tài phán của một quốc gia đối với tài nguyên phải dựa trên yếu tố địa lý của đường bờ biển. “Việc Trung Quốc tuyên bố quyền tài phán trong đường chữ U, hay đường 9 khúc, mà không trực tiếp hay gián tiếp nói đến các đặc điểm địa lý từ bờ biển hoặc đường cơ sở là sự vi phạm căn bản luật quốc tế”, giáo sư Dutton nhấn mạnh.

Trước những chỉ trích từ các nghị sĩ và chuyên gia Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải ngày 22-6 đã kêu gọi Washington không can thiệp vào tranh chấp trên Biển Đông. Bắc Kinh cho rằng, sự liên quan của Mỹ có thể làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Trước đó, Philippines cũng thúc giục sự ủng hộ của Mỹ đối với đồng minh châu Á Manila để giải quyết tranh chấp. Ngày 22-6, các quan chức Bộ Ngoại giao Philippines nói rằng, Mỹ phải trợ giúp quân đội, tàu hoặc máy bay của Philippines theo Hiệp ước Quốc phòng song phương ký năm 1951, trong trường hợp Manila bị tấn công tại vùng tranh chấp ở Biển Đông.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.