.

ADB kêu gọi châu Á giải cứu châu Âu

.

(ĐNĐT) - Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) kêu gọi Ấn Độ và Trung Quốc hãy sẵn sàng giúp giải cứu khu vực euro khỏi cuộc khủng hoảng nợ công nhằm tránh suy thoái lâu dài làm ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á.

Mô tả ảnh.
Một bảng quảng cáo đặt phía trước các căn hộ chưa bán được ở Roma, Ý. Khủng hoảng kinh tế ở khu vực đồng euro đang đe dọa đến kinh tế toàn cầu (Ảnh: Reuters)

Giám đốc của ADB, Rajat Nag, cho rằng, hai nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới phải “làm tất cả những gì có thể” nhằm tăng tốc sự phục hồi của khối đồng tiền chung euro, có thể thông qua IMF hoặc thông qua các thỏa thuận song phương.

Ông Rajat Nag cho rằng, khối BRIC (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) không nên nhìn những khó khăn của châu Âu theo “một cách thản nhiên” và sự hỗ trợ tài chính của châu Á cùng các nguồn lực châu Âu sẽ giúp tránh khỏi một sự đổ vỡ lâu dài trong nền kinh tế toàn cầu.

Trả lời tờ Financial Times bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới tại Mumbai, Rajat Nag nói: “Chúng ta cùng hội cùng thuyền. Vì vậy, bất kỳ ai có thể giúp châu Âu ra khỏi khủng hoảng đều có ích. Châu Á có thể không bị ảnh hưởng ở một mức độ nào đó nhưng không thể miễn nhiễm với cuộc khủng hoảng này. Vì thế, Trung Quốc và Ấn Độ có thể giúp, bằng mọi cách”.

Nag dự đoán rằng, bất kỳ sự hỗ trợ nào từ châu Á có thể đi theo kênh của IMF, nhưng sự hỗ trợ song phương bằng cách mua trái phiếu nợ từ nguồn vốn giải cứu EU có thể đem lại một sức mạnh lớn hơn cho các đối tác châu Á.

ADB dự kiến tốc độ tăng trưởng 7,5% của châu Á trong năm 2011/2012 giờ đang đối mặt với “nguy cơ suy thoái” bởi đe dọa từ châu Âu.

Liên minh tiền tệ châu Âu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng nợ công trong những tháng qua. Gần đây, chi phí vay của Ý đã tăng cao một cách nguy hiểm và thủ tướng của cả Hy Lạp và Ý đều đã từ chức.

Cuộc khủng hoảng đó đã dấy lên sợ hãi rằng nó có thể đẩy lùi nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái và buộc các nền kinh tế dẫn đầu phải kêu gọi đoàn kết với nhau hòng giúp khu vực euro tìm ra một giáp pháp cho mình.

Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ, Anadn Sharma cho biết “Ấn Độ sẽ làm những gì có thể” để giúp khu vực euro bởi nền kinh tế của mình đang chịu sự suy giảm xuất khẩu và cạn nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

“Không ai muốn khu vực euro mất ổn định và hỗn loạn. Chúng tôi có những thách thức mạnh mẽ và chúng tôi phải chống đỡ để có được sự tăng trưởng cao. Đó không phải là một lựa chọn mà là một đòi hỏi bức thiết bởi chúng tôi không thể tìm kiếm công ăn việc làm cho hàng chục triệu đàn ông và phụ nữ”, Sharma nói.

Quang Hiển (theo CNN)
;
.
.
.
.
.