.

Syria trước trưng cầu dân ý trong bạo lực

.

(ĐNĐT) - Hôm nay, 26-2, người dân Syria bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân  ý về một bản dự  thảo hiến pháp mới, giữa lúc Damacus đang phải đối phó  với sức ép quốc tế  đang buộc nước này phải cải tổ  và kết thúc tình trạng hỗn loạn.

Một phụ  nữ Syria hô lớn và cầm bức ảnh của Tổng thống Bashar al-Assad và bản sao dự thảo hiến pháp mới sẽ được trưng cầu dân ý trong ngày 26-2-2012.  Ảnh: AFP
Một phụ nữ Syria hô lớn và cầm bức ảnh của Tổng thống Bashar al-Assad và bản sao dự thảo hiến pháp mới sẽ được trưng cầu dân ý trong ngày 26-2-2012. Ảnh: AFP

Khoảng 15 triệu cử tri đủ tư cách, chiếm khoảng 2/3 dân số Syria, bỏ phiếu tại 14.000 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc. Cử tri sẽ bỏ phiếu về bản dự thảo hiến pháp mới với nhiều cải cách do chính phủ hứa hẹn.

Dự thảo hiến pháp mới nêu rõ, quyền lực được thực thi một cách dân chủ thông qua bầu cử, kết thúc gần 50 năm cầm quyền của Đảng Ba’ath Xã hội Ả Rập.

Dự thảo hiến pháp còn nêu rằng, tổng thống được nhân dân bầu trực tiếp và được cầm quyền tối đa 2 nhiệm kỳ 7 năm.

Một  ủy ban trung ương, trong đó có Bộ trưởng nội vụ Syria và hai người cấp phó của ông sẽ giám sát cuộc trưng cầu dân ý.

Mặc dù dự thảo hiến pháp lần này có những biện pháp cải cách căn bản nhưng vẫn bị phe đối lập tẩy chay.

Hassan Abdel Azim, tùy viên cao nhất của Cơ quan phối hợp quốc gia Syria vì sự dân chủ, cho biết, nhóm này gồm 15 đảng đối lập, sẽ không “tham gia vào cuộc trưng cầu dự thảo hiến pháp, cũng như sẽ không tham gia các cuộc bầu cử trong tương lai”.

Trong lúc đó, tình hình bạo lực lại bùng phát trước cuộc trưng cầu dân ý. Các lực lượng chính phủ đã đọ súng với các phiến quân trong những vùng nông thôn ở các tỉnh Homs và Idlib, cả hai bên đều có thương vong.

Ít nhất 100 người đã thiệt mạng vào đêm trước của ngày trưng cầu dân ý bởi các lực lượng chính phủ tiếp tục ném bom vào một số hang ổ của phe đối lập trên toàn quốc, hãng tin al-Arabia cho biết.

Trước đó, ngày 24-2, khoảng 70 đại diện chính phủ nước ngoài và cơ quan quốc tế đã nhóm họp tại thủ đô của Tunisia trong cái gọi là “Những người bạn Syria”. Thông qua hội nghị đó, các nước đã gia tăng sức ép, buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức.

Các bên tham gia hội nghị trên đã bị chia rẻ về các vấn đề như liệu có mở màn cho một hành động quân sự hay không. Kết thúc hội nghị trên là một thỏa thuận về trừng phạt và cô lập chính phủ Syria, thiết lập mối quan hệ sâu hơn nữa với Hội đồng quốc gia Syria, một nhóm đối lập mà họ công nhận là một trong những đại diện hợp pháp của người Syria.

Chính phủ Syria đã lên án hội nghị Những người bạn Syria, gọi nó là “âm mưu của những kẻ thù của Syria”.

Quang Hiển (theo THX, Rianovosti)

;
.
.
.
.
.