(ĐNĐT) - Ngoài tội bao che cho vợ trọng vụ sát hại doanh nhân người Anh, Bạc Hy Lai chính thức bị hất cẳng bởi việc nghe lén các lãnh đạo trung ương.
Bạc Hy Lai tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, tháng 3-2012. Ảnh: Getty |
Tờ New York Times cho biết, mãi cho đến giờ, người ta cứ nghĩ Bạc Hy Lai bị tước bỏ các chức vụ trong Bộ Chính trị do sai lầm nghiêm trọng về nguyên tắc nhưng ít ai biết, nguyên nhân còn do việc nghe lén ngầm mà trước đây mới chỉ nói bóng gió trong nội bộ đảng. Và trước công chúng, chính quyền Trung Quốc không hề nhắc tới việc này.
Theo đó, vào tháng 8 năm ngoái, khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào có một cuộc điện thoại với một quan chức chống tham nhũng tại Trùng Khánh thì một thiết bị đặc biệt phát hiện ra rằng, cuộc điện thoại đó đã bị nghe lén. Chính việc này đã dẫn tới vụ loại bỏ Bạc Hy Lai ra khỏi Bộ Chính trị, một địa chấn chính trị tại Trung Quốc trong nhiều năm qua.
Những người trong nội bộ đảng xem việc nghe lén điện thoại là một thách thức trực tiếp tới chính quyền trung ương. Nó tiết lộ hành tung của Bạc Hy Lai, rằng ông đã chuẩn bị các nỗ lực để nắm quyền hành rộng lớn tại Trung Quốc.
Theo một thành viên cấp cao trong đảng, các chiến dịch nghe lén của Bạc Hy Lai bắt đầu từ vài năm trước như là một phần của chiến dịch giám sát có kinh phí nhà nước cấp, với mục đích chống tội phạm và duy trì ổn định chính trị ở địa phương.
Kiến trúc sư của chiến dịch đó là họ Vương Lập Quân, một người nổi tiếng trong cuộc chiến chống tội phạm, là tay chân của Bạc Hy Lai ở Liêu Ninh. Bạc và Vương đã thiết lập “một hệ thống rệp nghe lén sâu rộng, bao trùm từ viễn thông tới mạng Internet".
Một nhà phân tích chính trị cho biết, Bạc Hy Lai cố tình nghe lén các cuộc điện đàm của tất cả các lãnh đạo cấp cao viếng thăm Trùng Khánh trong những năm gần đây, kể cả Châu Vĩnh Khang, người gần đây đã ủng hộ họ Bạc trên con đường hoạn lộ. Nhà phân tích đó cho biết: “Họ Bạc muốn biết rõ về thái độ của các lãnh đạo đối với ông”.
Vào năm ngoái, người ta bắt gặp cuộc nghe lén điện thoại giữa văn phòng của ông Hồ Cẩm Đào với Lưu Quang Lợi, một quan chức cấp cao trong đảng, người mà Vương Lập Quân đã lên thay làm giám đốc cảnh sát. Ông Lưu từng phục vụ dưới quyền ông Hồ Cẩm Đào trong những năm 1980 tại Quý Châu.
Tuy vậy, ít lâu trước khi trốn chạy khỏi Trùng Khánh, Vương Lập Quân đã chuẩn bị hai hồ sơ tố cáo cho ủy ban kiểm tra. Cả hai bộ hồ tố rằng Bạc Hy Lai “chống lại trung ương đảng”, kể cả ra lệnh nghe lén điện thoại lãnh đạo trung ương. Vào lúc đó, yêu cầu điều tra Bạc Hy Lai của họ Vương đã bị dập tắt. Sau đó ít lâu, Bạc Hy Lai biết được điều đó và nói rằng, ông nghĩ ông sẽ đứng vững sau các tố cáo của Vương Lập Quân.
Chuyện trở nên căng thẳng hơn sau khi Bạc Hy Lai biết rằng Vương Lập Quân cũng đã nghe lén mình và vợ mình. Sau khi họ Vương bị bắt vào tháng Hai, họ Bạc cũng đã bắt giam chuyên viên nghe lén của Vương Lập Quân tại Liêu Ninh, một giám đốc cảnh sát quận tên là Vương Bằng Phi.
Các báo cáo nội bộ đảng cho rằng, đảng xem vụ nghe lén là một tội nghiêm trọng nhất của Bạc Hy Lai. Một kết luận sơ bộ vào giữa tháng Ba cáo buộc Bạc Hy Lai phá hoại đoàn kết trong đảng bằng cách thu thập bằng chứng của các lãnh đạo đảng.
Tuy vậy, giới chức trong đảng cho rằng, sự việc sẽ làm nghiêm trọng hơn nữa khi vụ nghe lén của Bạc Hy Lai được công bố cho công chúng. Người ta cho rằng, khi Bạc Hy Lai bị kết án, có lẽ vụ nghe lén sẽ không được kể ra. “Chỉ cần công bố những sai phạm về kinh tế và vụ sát hại doanh nhân người Anh là đủ quyết định số phận Bạc Hy Lai trước công chúng”, một quan chức truyền thông chính phủ cho biết.
Quang Hiển (theo New York Times)