Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Pháp Francois Hollande với người đồng cấp Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng ngày 11-2 minh chứng mối quan hệ đang được cải thiện. Điều này làm nền tảng cho những nỗ lực ngoại giao trong các vấn đề Iran, Syria và cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan ở Bắc Phi.
Tổng thống Mỹ Barack Obama chào đón người đồng cấp Pháp Francois Hollande. Ảnh: AP |
AFP cho biết, đây là chuyến thăm cấp nhà nước chính thức đầu tiên của một Tổng thống Pháp đến Mỹ kể từ năm 1996. Quan hệ giữa hai quốc gia từng là đồng minh lâu năm được cải thiện chậm chạp sau khi “đóng băng” từ cách đây một thập niên do Paris phản đối cuộc chiến tranh chống Iraq do Washington dẫn đầu, dưới thời Tổng thống G.W. Bush. Song, dù còn nhiều khác biệt trong các thỏa thuận kinh tế, hay những bất đồng trong scandal gián điệp của Mỹ tại Pháp nhưng hai nước đang “bắt tay” trong các vấn đề Iran, Syria, Bắc Phi và những “điểm nóng” khác. AFP cho rằng, sự hợp tác này khác xa với quan điểm của Nhà Trắng và Điện Elysée vào năm 2003.
Mỹ hiện hoan nghênh và ủng hộ sự can thiệp của Pháp trong việc dập tắt sự phát triển của các chiến binh Hồi giáo ở khu vực Sahel thuộc châu Phi. Pháp dẫn đầu hoạt động quân sự ở Libya và Mali, trong khi Mỹ hỗ trợ thiết bị và tình báo. Hai đồng minh này cũng là những đối tác then chốt trong nhóm các cường quốc đàm phán với Iran về chương trình hạt nhân của Tehran, đồng thời đều chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Washington từng chuẩn bị cuộc tấn công quân sự nhằm vào Damascus và Paris là đồng minh châu Âu duy nhất ủng hộ nỗ lực này.
Nay Tổng thống Francois Hollande một mình có chuyến thăm chính thức Mỹ trong 3 ngày, mang theo thông điệp thúc đẩy hợp tác an ninh, thương mại, cũng như bàn thảo các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu… Ông Hollande đang chịu nhiều áp lực từ trong nước khi tỷ lệ ủng hộ rơi xuống mức thấp nhất (dưới 20%) so với bất kỳ nhà lãnh đạo nào của Pháp từ trước đến nay. Hơn nữa, ông bị sức ép về việc phục hồi nền kinh tế và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Vì vậy, chuyến công du Mỹ được kỳ vọng để ông “vớt” điểm tại quê nhà.
“Pháp là đồng minh vững chắc của Mỹ nhưng luôn giữ sự độc lập”, ông Hollande nêu rõ khi trả lời phỏng vấn tạp chí Time. Còn Tổng thống Obama cho rằng, cuộc gặp với ông Hollande là cơ hội để thúc đẩy hợp tác trong tương lai. Trong bài viết đăng tải trên các báo Washington Post của Mỹ và Le Monde của Pháp, hai Tổng thống khẳng định hai nước đã vượt qua những bất đồng trong quá khứ. Hai tờ báo này dẫn lời hai nhà lãnh đạo mô tả mối quan hệ Pháp - Mỹ là “liên minh chuyển mình”.
Các nhà quan sát quốc tế đặc biệt quan tâm chuyến công cán của ông Hollande đến Mỹ, bởi họ muốn biết hai cường quốc từ hai bờ đại dương tìm được tiếng nói chung như thế nào. Trong câu chuyện Iran, năm ngoái, Mỹ, Pháp cùng với Anh, Đức, Nga và Trung Quốc ký thỏa thuận yêu cầu Tehran ngừng chương trình hạt nhân để đổi lấy việc tháo dỡ các biện pháp trừng phạt. Đàm phán về một thỏa thuận cuối cùng sẽ được bắt đầu vào tuần tới ở Vienna (Áo). Tuy nhiên, chính phủ Barack Obama khó chịu khi các doanh nghiệp Pháp hưởng lợi nhuận quá nhiều khi một số nội dung cấm vận Iran được hủy bỏ. Chỉ trong tuần qua, hơn 100 giám đốc điều hành của Pháp đến Tehran.
Cũng theo AFP, trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 11-2, Tổng thống Hollande gặp gỡ các quan chức tài chính toàn cầu, trong đó có Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde. Ngày 12-2, ông đến Thung lũng Silicon ở San Francisco để gặp các chuyên gia công nghệ, chẳng hạn những người đứng đầu Google, Facebook và Twitter.
PHÚC NGUYÊN