Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) nhóm họp ở Brussels (Bỉ) ngày 4 và 5-6 muốn thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Nga xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine, bất chấp việc Mátxcơva bác bỏ cáo buộc nước này đứng sau các cuộc nổi dậy ở đông Ukraine.
Tổng thống Barack Obama gặp gỡ Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và Tổng thống Pháp Francois Hollande (phải) tại Brussels. Ảnh: AP |
AP dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng G7 không thể chấp nhận sự bất ổn hơn nữa ở Ukraine, đồng thời muốn câu lạc bộ các nước giàu có này xem xét cấm vận Nga, thậm chí dùng các biện pháp trừng phạt nặng hơn (giai đoạn 3) nhằm vào thương mại, tài chính và năng lượng. Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron cũng bày tỏ hy vọng G7 gửi thông điệp rõ ràng trong việc ủng hộ Ukraine. Theo Reuters, tuyên bố của G7 đe dọa “mạnh tay” hơn với Nga nếu Mátxcơva không giúp khôi phục sự ổn định ở khu vực đông Ukraine.
Ngày 5-6, Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ hai lãnh đạo của hai đồng minh quan trọng nhất: Anh và Pháp; vấn đề Ukraine cũng chi phối các chương trình nghị sự của ông chủ Nhà Trắng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin không tham dự hội nghị thượng đỉnh Brussels, nhưng ông sẽ có các cuộc gặp trực tiếp với một số nhà lãnh đạo G7 tại Pháp, trong đó có Tổng thống chủ nhà Francois Hollande, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Song, không có cuộc gặp nào giữa ông Putin với Tổng thống Obama mặc dù ngày 6-6, cả hai cùng tham dự kỷ niệm 70 năm ngày D-Day, ngày quân đồng minh đổ bộ lên đất Pháp trong Thế chiến thứ hai.
Theo các nhà quan sát, các nhà lãnh đạo Pháp, Anh và Đức đều không phải là những người quá “cứng rắn” với Nga trong các vấn đề liên quan Ukraine, do lo ngại các lợi ích kinh tế của nước mình. Vì vậy, vẫn có nhiều hy vọng để tháo gỡ cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua giữa Nga với phương Tây.
THIÊN BÌNH