ĐNĐT - Ngày 29-6, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo và Vùng cận đông Iraq (ISIL/ISIS) cho biết trên các trang web Hồi giáo và Twitter rằng, nhóm này đang thiết lập một “caliphate”, còn gọi là một nhà nước Hồi giáo tại những vùng lãnh thổ mà nhóm này đang kiểm soát tại Iraq và Syria.
Một thành viên của ISIL vẫy cờ của ISIL tại Raqqa, ngày 29-6-2014. Ảnh: Reuters |
Ngoài ra, ISIL/ISIS còn tuyên bố thủ lĩnh của ISIS, Abu Bakr al-Baghdadi, là vua Hồi giáo và là “lãnh tụ của người Hồi ở mọi nơi”. ISIS kêu gọi các nhóm chiến binh Hồi giáo khắp thế giới hãy thề trung thành với “vua của người Hồi giáo”.
“Ông ấy là lãnh tụ và là vua (Khalifa) của người Hồi ở mọi nơi”, phát ngôn viên của ISIL, Abu Muahammad al-Adnani cho biết trong một bản tuyên bố được dịch sang một vài thứ tiếng và phát trong một đoạn ghi âm bằng tiếng Ả Rập.
“Theo đó, “Iraq và Vùng Cận đông trong tên của Nhà nước Hồi giáo sau đây sẽ bị xóa khỏi mọi cuộc thảo luận và các kênh thông tin. Tên chính thức của “nhà nước” này là Nhà nước Hồi giáo kể từ ngày ra tuyên bố”.
Al-Adnani còn nói rằng, tình trạng pháp lý của mọi tiểu vương quốc, mọi nhóm, mọi nhà nước và tổ chức sẽ là con số không đối với sự bành trướng của chính quyền caliph và những nơi mà binh lính của caliph tới. “Hãy nghe theo vua của bạn, hãy tuân lệnh ông ấy. Hãy ủng hộ đất nước của bạn, vốn lớn lên từng ngày”, Al-Adnani phát biểu.
ISIL theo lý tưởng cực đoan của al-Qaeda nhưng đã thu hút lực lượng từ các chiến binh ngoại quốc vốn đã được rèn luyện qua chiến đấu tại Iraq.
Hiện nhóm này đang tìm cách tái tạo một vương quốc Hồi giáo thời trung cổ, xóa đi các đường biên giới từ Địa Trung Hải cho tới Vùng Vịnh. Điều này có nghĩa là những người Hồi giáo dòng Shi’ite sẽ là những kẻ dị giáo “đáng phải chết”.
Việc dựng nên một vương quốc Hồi giáo và cai trị bằng luật Hồi giáo từ lâu đã là mục tiêu của nhiều chiến binh Hồi giáo. Tuy nhiên, việc dựng nên Nhà nước Hồi giáo này là một thách thức trực tiếp đối với giới lãnh đạo trung ương của al-Qaeda và những người lãnh đạo bảo thủ của Vùng Vịnh, vốn là các tổ chức đã không công nhận và coi ISIL là một mối đe dọa an ninh.
Hiện vẫn chưa rõ tác động tức thời của tuyên bố nói trên trên đất Syria và Iraq là như thế nào, tuy nhiên, các chuyên gia dự báo rằng, đó có thể là điềm báo trước về sự đấu đá nội bộ giữa những người Sunni, những người đã tham gia các lực lượng của Nhà nước Hồi giáo trong các cuộc chiến chống lại Thủ tướng Iraq, Nouri al-Maliki và chính phủ do người Shiite lãnh đạo của ông.
Quang Hiển (theo Reuters, AP, BBC)