Ngày 24-6, Tổng thống Philippines Benigno Aquino sẽ thăm Nhật Bản và vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc là tâm điểm của chương trình nghị sự.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một cuộc gặp gỡ vào tháng 12 năm ngoái. Ảnh: PhiStar |
AFP cho biết, Tổng thống Benigno Aquino sẽ gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại thủ đô Tokyo nhằm thúc đẩy quan hệ chiến lược giữa hai nước vốn đang có những tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc. Philippines và Trung Quốc hiện tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, còn Nhật có tranh chấp với Trung Quốc xung quanh chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines nêu rõ: “Cuộc gặp (giữa Tổng thống Aquino và Thủ tướng Abe) là cơ hội để hai nhà lãnh đạo trao đổi quan điểm về những diễn biến gần đây trong khu vực và thảo luận về các lĩnh vực hợp tác nhằm tăng cường mối quan hệ chiến lược Philippines - Nhật Bản”. AFP dẫn lời người phát ngôn Abigail Valte của ông Aquino xác nhận rằng, căng thẳng trên vùng biển sẽ là nội dung chính của các cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo. Song, bà Valte không cho biết thông tin cụ thể.
Philippines và Nhật Bản đang muốn thắt chặt quan hệ trong lúc đối đầu với Trung Quốc xung quanh vấn đề chủ quyền. Nhật Bản đã triệu Đại sứ Trung Quốc để bày tỏ phản đối sau khi máy bay chiến đấu của hai nước liên tiếp bay gần nhau ở khu vực quần đảo tranh chấp. Philippines cũng gửi công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối việc khai hoang trên các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa.
Theo AFP, tháng 7-2013, khi đến thăm Philippines, Thủ tướng Shinzo Abe cam kết trợ giúp quốc gia Đông Nam Á này tăng cường khả năng phòng thủ hàng hải. Cụ thể là Tokyo cung cấp 10 tàu tuần tra cho lực lượng tuần duyên Philippines.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói rằng, nước này muốn Tòa án trọng tài quốc tế ở The Hague (Hà Lan) sớm ra phán quyết về vụ Manila kiện Trung Quốc xung quanh vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, có thể vào năm tới (thay vì mất từ 3-4 năm, như cảnh báo của nhiều quan chức Philippines). Nguyên nhân được ông Rosario đưa ra là do Trung Quốc không tham gia vụ kiện nên sẽ rút ngắn tiến trình phân xử và cũng do “tình hình trên Biển Đông đang xấu đi mỗi ngày”. “Chúng ta rõ ràng đang đối mặt với tình hình ngày một trầm trọng thêm và chúng ta cần làm điều gì khẩn cấp để có thể giảm bớt các nguy cơ có thể xảy ra”, ông Rosario nói.
Tháng 3-2014, Philippines chính thức đệ trình các tài liệu về vụ kiện lên Tòa án trọng tài quốc tế. Cũng theo Ngoại trưởng Rosario, Chính phủ nước ông có thể đề nghị tòa yêu cầu Trung Quốc ngừng hoạt động cải tạo đất phi pháp tại Trường Sa. Philippines đang thúc giục được tòa xác nhận quyền khai thác ở các vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).
Hồi đầu tháng này, Trung Quốc bác bỏ thông báo của tòa, trong đó cho Bắc Kinh hạn cuối cùng là ngày 15-12 để đáp lại vụ kiện của Philippines. Từ lâu, Bắc Kinh đã khẳng định sẽ không tham gia vụ kiện do Manila khởi xướng. Thực chất, Bắc Kinh vẫn muốn tiếp cận song phương với các nước liên quan để giải quyết tranh chấp, thay vì đàm phán đa phương.
PHÚC NGUYÊN