.
Thế giới tuần qua

Giải pháp đoàn kết Iraq

.

Giải pháp để đoàn kết một đất nước Iraq đang bị xâu xé là điều mà chính phủ của Thủ tướng Nouri al-Maliki và Mỹ mong muốn. Tuy nhiên, trong cái nhìn của nhiều quan chức Washington, ông Maliki không phải là người phù hợp với mục tiêu này.

Các chiến binh Shiite biểu dương lực lượng tại phía bắc Baghdad. 	    Ảnh: AP
Các chiến binh Shiite biểu dương lực lượng tại phía bắc Baghdad. Ảnh: AP

Để thu hẹp những bất đồng tại Iraq, Mỹ cho rằng, việc xây dựng một chính phủ đa sắc tộc là điều cần thiết, chứ không thể áp dụng giải pháp quân sự. Điều mà ông Maliki cần làm là thực thi các chính sách toàn dân để hàn gắn cộng đồng người Sunni và Shiite, đồng thời bãi bỏ các chính sách phân biệt đối xử với người Sunni.

Ngày 22-6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Trung Đông để thúc đẩy ổn định tình hình, lập chính phủ mới ở Iraq trước những bước tiến của phiến quân Sunni thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL); còn các chiến binh Shiite tuần hành ở phía bắc thủ đô Baghdad để biểu dương lực lượng.

Theo kế hoạch, từ ngày 22 đến 27-6, ông Kerry có mặt ở Amman (Jordan), sau đó đến châu Âu (Brussels - Bỉ và Paris - Pháp). Song, ngay trong ngày 22-6, ông bất ngờ đến Ai Cập. Theo AFP, không có thông tin về thời điểm ông Kerry dừng chân ở Iraq, theo yêu cầu của Tổng thống Barack Obama, trong chuyến công cán lần thứ hai đến quốc gia vùng Vịnh này kể từ khi ông nhậm chức Ngoại trưởng vào đầu năm 2013. Vì vậy, giới quan sát vẫn mơ hồ về động thái của Mỹ đối với tình hình Iraq mặc dù Mỹ đã cử 300 cố vấn quân sự đến Baghdad. Nếu Washington tham chiến một lần nữa thì khả năng sa lầy vẫn có thể xảy ra như cuộc chiến từ năm 2003 và điều này trái ngược với quan điểm của ông Obama.

Cũng theo AFP, ban đầu, Mỹ ủng hộ ông Maliki khi vị chính khách này trở thành Thủ tướng Iraq vào năm 2006. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, ông Maliki lại có những động thái phân biệt sắc tộc, vốn được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất ổn hiện tại. Và đương nhiên Mỹ bày tỏ sự thất vọng về người đứng đầu chính phủ Iraq.

Ngoài ra, sự chia rẽ sắc tộc còn do khả năng yếu kém của quân đội Iraq khi đối mặt với các cuộc tấn công của ISIL. Mặc dù Mỹ đã rót hàng tỷ USD vào việc huấn luyện và đầu tư thiết bị quân sự cho quân đội Iraq nhưng lực lượng này vẫn không ngăn cản nổi bước tiến của ISIL. Ngày 22-6, ISIL và các chiến binh Sunni đồng minh đã chiếm được thị trấn Rutba, thuộc tỉnh Anbar, cách biên giới Jordan 150km về phía đông. Đây là thị trấn thứ tư của tỉnh Anbar (cùng với các thị trấn Qaim, Rawah và Anah) rơi vào tay quân nổi dậy kể từ ngày 20-6 đến nay, cũng là đòn giáng nặng nề đối với chính phủ của vị Thủ tướng người Shiite.

“Maliki nên ra đi”, ông Michael Hanlon - Giám đốc nghiên cứu của Viện Brookings nói. Tuy nhiên, ông Hanlon cảnh báo rằng đảng của Thủ tướng Maliki chiếm số ghế lớn nhất trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 4 (hiện có 92/328 ghế) nên “sẽ quá muộn để yêu cầu ông từ chức”. Theo quy định, Quốc hội sẽ được nhóm họp trước khi kết thúc tháng 6 này và sẽ bầu chọn Tổng thống mới, sau đó tân Tổng thống sẽ bổ nhiệm Thủ tướng. Một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng, các đảng ở Iraq cần ngay lập tức đàm phán để hình thành chính phủ.

Nhà lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei ngày 22-6 bày tỏ phản đối việc Mỹ can thiệp vào tình hình Iraq hay bất kỳ quốc gia nào khác. Ông cho rằng, tự người dân Iraq có thể kết thúc bạo lực ở đất nước này.

Hãng thông tấn IRNA dẫn lời ông Khamenei nhấn mạnh: Cuộc xung đột ở Iraq không chỉ là xung đột sắc tộc mà thật sự là cuộc đối đầu giữa những ai muốn Iraq trở thành một căn cứ của Mỹ với những ai muốn quốc gia này độc lập.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.