Chính quyền Trung Quốc tiếp tục có động thái gây hấn mới khi sẽ cho phép đăng ký quyền sử dụng (QSD) đất ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Want China Times |
Báo Economic Observer có trụ sở ở Bắc Kinh dẫn nguồn tin từ Văn phòng Đăng ký bất động sản thuộc Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc cho biết, hệ thống đăng ký QSD đất mới của nước này sẽ bao gồm tất cả các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Nguồn tin này xác nhận cái gọi là “thành phố Tam Sa” - đơn vị hành chính Trung Quốc lập ra một cách phi pháp để “quản lý” quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam - cũng sẽ được đưa vào hệ thống đăng ký QSD đất. Đây sẽ là động thái vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Economic Observer cho biết, Trung Quốc lập hệ thống đăng ký QSD đất mới dựa trên mô hình của các hệ thống tại Đức, Úc và Pháp. Hệ thống này sẽ chính thức đi vào hoạt động kể từ năm 2018.
Báo Want China Times của Đài Loan bình luận việc Trung Quốc cho phép đăng ký QSD đất tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cho thấy Bắc Kinh tiếp tục tỏ ra hiếu chiến trong chiến lược mở rộng chủ quyền lãnh thổ.
Mới đây, Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời chuyên gia quốc phòng Vassily Kashin thuộc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ ở Mátxcơva cảnh báo Mỹ và các nước khu vực cần cảnh giác cao độ với việc Trung Quốc lập kế hoạch xây đảo nhân tạo trên Biển Đông. “Đây là mối đe dọa lớn đối với Mỹ và các nước khu vực”, chuyên gia Kashin nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo Thượng nghị sĩ Úc Scott Ryan, các bên ở Biển Đông phải tôn trọng luật pháp quốc tế và hành động phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Trong thư phúc đáp gửi tới Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc mới đây, Thượng nghị sĩ Ryan nhấn mạnh, Chính phủ Úc hoan nghênh các phát biểu đưa ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN từ ngày 10 đến 11-5 vừa qua liên quan đến tình hình tại Biển Đông. Úc chia sẻ những quan ngại sâu sắc của các nước ASEAN đối với các diễn biến gần đây, làm tình hình khu vực thêm căng thẳng.
Thượng nghị sĩ Ryan nói rằng, Úc không đứng về bên nào trong các bên tranh chấp ở Biển Đông, nhưng có lợi ích hợp pháp trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại không bị cản trở và tự do hàng hải. Úc kêu gọi các bên kiềm chế, tránh các hành động khiêu khích có thể làm tình hình thêm căng thẳng và có các biện pháp để giảm căng thẳng. Các chính phủ cần làm rõ và thực hiện các tuyên bố về lãnh thổ cùng với các lợi ích về hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN cũng cần sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
B.T tổng hợp