Nếu Mỹ có chính sách xoay trục châu Á nhằm đối phó với sự trỗi dậy đáng lo ngại của Trung Quốc, thì Nhật cũng đang thực hiện chính sách xoay trục Đông Nam Á để đối phó với sự thù địch của Trung Quốc. Chỉ khác là chính sách xoay trục của Nhật liên quan đến vấn đề kinh tế chứ không nặng về quân sự và ngoại giao như Mỹ.
Nhật trừng phạt kinh tế Trung Quốc, xoay trục sang ASEAN. |
Đó là nhận định của ông Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty phân tích thông tin và dự báo nổi tiếng IHS ở Mỹ, trên trang DW của Đức.
Ông Rajiv Biswas khẳng định các công ty Nhật Bản đang chuyển hướng đầu tư của họ ra khỏi Trung Quốc và ngày càng thiết lập quan hệ chặt chẽ với khu vực ASEAN sau khi quan hệ Nhật - Trung rơi vào căng thẳng.
Tranh chấp lãnh thổ và tuyên bố đơn phương của Trung Quốc về một vùng nhận diện phòng không chỉ là một trong số nhiều lý do khiến leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu Á.
Cảm giác khó chịu và hoài nghi lẫn nhau đã không chỉ dẫn đến sự suy giảm trong quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và Nhật Bản mà còn có tác động đến đầu tư song phương.
Ông Rajiv Biswas tin rằng Nhật đang xoay trục sang ASEAN. |
Ví dụ, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản (FDI) vào Trung Quốc trong nửa đầu của năm 2014 giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cả năm 2013, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Nhật Bản giảm 23,5% dù tổng FDI của Trung Quốc ở nước ngoài năm 2013 tăng 16,8 %.
Vậy nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản đang chảy đi đâu? Ông Rajiv Biswas cho rằng Nhật đang tái tập trung đầu tư của họ sang ASEAN và khẳng định khu vực Đông Nam Á có một số trung tâm sản xuất trở nên ngày càng hấp dẫn đối với Nhật Bản, đặc biệt là so với Trung Quốc.
Ông Rajiv Biswas gọi đây là chính sách xoay trục ASEAN của Nhật vì Nhật lo ngại về lâu dài, các khoản đầu tư vào Trung Quốc sẽ trở nên mạo hiểm khi quan hệ hai nước ngày càng xấu đi. Hơn nữa, chi phí nhân công tại các tỉnh duyên hải miền Đông Trung Quốc ngày càng cao khiến Nhật phải xoay trục.
Trong khi đó, sản xuất chi phí thấp ở Đông Nam Á, như Việt Nam, Campuchia, Indonesia và Philippines, cũng như tại các thị trường mới nổi khác như Ấn Độ, Brazil và Mexico khiến Nhật Bản càng có lý do xoay lưng với Trung Quốc.
Điều quan trọng nhất khiến Nhật quyết xoay trục ASEAN là họ cảm thấy có thể tin tưởng được ASEAN. Việc một ASEAN giàu mạnh cùng Nhật chia sẻ mối lo Trung Quốc chính là điều mà Nhật trông đợi lúc này.
Theo Một Thế Giới