.

Vũ khí nào đã bắn hạ MH17, giết hại 298 người?

.

ĐNĐT - Máy bay MH17 của Malaysia đã bị bắn rơi, không phải bằng các vũ khí vác vai mà có thể tên lửa BUK, một loại tên lửa do Liên Xô sản xuất, là thủ phạm bắn rơi máy bay. Tuy nhiên, ai là người đã bắn tên lửa là câu hỏi mà dư luận đang quan tâm.

Tên lửa BUK, được sản xuất dưới thời Liên Xô, được cho là thủ phạm làm rơi máy bay MH17 của hàng không Malaysia, chiều ngày 17-7-2014 tại miền đông Ukraine. Ảnh: RIA
Tên lửa BUK, được sản xuất dưới thời Liên Xô, được cho là thủ phạm làm rơi máy bay MH17 của hàng không Malaysia, chiều ngày 17-7 tại miền đông Ukraine. Ảnh: RIA

Máy bay Boeing-777 mang số hiệu MH17 của Malaysia chở 298 người (Malaysia Airlines đã ra thông cáo chính thức xác nhận có 298 người trên máy bay (cả phi hành đoàn) thay vì con số ban đầu là 295 người), đang bay ở độ cao 10.600 mét ở khu vực phía đông Ukraine, gần biên giới Nga vào chiều 17-7.

Theo Nick De Larrinaga, một chuyên gia chuyên viết trên tạp chí Quốc phòng IHS Jane’s, với độ cao nói trên, không một tên lửa vác vai nào có thể bắn tới. “Ở một tầm bay thông thường của máy bay chở khách dân sự, thì MH17 đã bay ngoài tầm của các hệ thống tên lửa vác vai thông thường hiện đang được phổ biến trong số các phiến quân ly khai ở miền đông Ukraine”, Larrinaga cho biết.

Theo đó, các loại tên lửa vác vai chỉ có tầm bắn tối đa là 15.000 feet (gần 6.000 mét).

Trước đó, quân nổi dậy Donetsk đã sử dụng hệ thống phòng không di động vác vai Man Portable Air Defense Systems (MANPADS) để bắn hạ các máy bay trực thăng tấn công, máy bay vận tải quân sự, máy bay do thám... của quân đội Ukraine.

Nhưng trong trường hợp này, thay vì MANPADS, có vẻ như một tên lửa đối không lớn hơn hoặc tên lửa không đối không đã bắn hạ chuyến bay MH-17. Chiếc máy bay dân sự này bị bắn rơi gần một sân bay.

Đô đốc Kevin Ryan, Giám đốc Dự án Quốc phòng và Tình báo thuộc Trung tâm Khoa học và các vấn đề quốc tế Belfer của Đại học Harvard, cho rằng tên lửa BUK, một loại tên lửa được phát triển dưới thời Liên Xô mà NATO gọi là tên lửa SA-11, hiện đang được cả quân đội Nga và quân đội Ukraine sử dụng. Tên lửa này có khả năng hơn trong việc bắn rơi máy bay bay ở độ cao đó.

Clip hiện trường vụ máy bay rơi ở Ukraine làm 298 người chết:

.

 

Thủ phạm nào bắn rơi MH17?

Trong số 298 người thiệt mạng:

• 154 người Hà Lan

• 27 người Úc

• 23 người Malaysia

• 11 người Indonesia

• 6 người Anh

• 4 người Đức

• 4 người Bỉ

• 3 người Philippines

• 1 người Canada

• 15 thành viên phi hành đoàn người Malaysia

Nhưng nếu một tên lửa BUK đã bắn rơi máy bay MH17 thì phía nào đã bắn rơi nó? Trong khi đó, cả quân đội Ukraine, quân đội Nga và phe ly khai miền đông Ukraine đều tuyên bố sở hữu loại tên lửa này trong kho của mình.

Theo AP, phe nổi dậy miền đông Ukraine được tin là đã dùng một hệ thống tương tự như BUK để bắn rơi một máy bay AN-26 của Ukraine của Nga hôm thứ Hai. Tuy vậy, người ta không chắc loại tên lửa này do Nga cung cấp hay là do các phiến quân thu giữ của quân đội Ukraine.

Cũng theo AP, hôm 29-6, hãng tin ITAR-TASS dẫn lời các phiến quân tại Donetsk, miền đông Ukraine, không xa vị trí của chiếc máy bay rơi, cho rằng, họ đã chiếm quyền điều khiển một đơn vị tên lửa phòng không có trang bị tên lửa BUK.

Theo đó, một quan chức Bộ Nội vụ Ukraine, Anton Gerashchenko nói sau vụ rơi máy bay rằng, hệ thống phòng không Buk đã được “Tổng thống Putin giao cho các phiến quân”.

Theo hãng tin Nga, Russia Today, quân đội Ukraine có một số đơn vị được trang bị hệ thống tên lửa đất đối không BUK với ít nhất 27 bệ phóng, có khả năng đánh rơi các máy bay phản lực bay ở tầm cao, tại vùng Donetsk, nơi mà chiếc máy bay của Malaysia bị rơi, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Trước đó, hãng tin Itar-Tass và Interfax dẫn nguồn tin gần gũi cho biết, một đại đội phòng không có trang bị hệ thống Buk đang được chuẩn bị chuyến tới vùng Donetsk từ thành phố Kharkov của Ukraine.

Về phía phe nổi dậy Ukraine, ông Sergey Kavtaradze, khẳng định rằng: “Chúng tôi đơn thuần là không sở hữu loại vũ khí đó. Chúng tôi chỉ có loại tên lửa vác vai có tầm bắn từ 3.000 đến 4.000 mét. Chiếc máy bay Boeing bay ở độ cao cao hơn nhiều”.

Trong một bài phát biểu tại Delaware, Tổng thống Obama nói: “Cả thế giới đều đang dõi theo tin tức của chiếc máy bay dân sự vừa bị bắn rơi ở gần biên giới Nga- Ukraine. Đó là thảm kịch khủng khiếp. Ngay bây giờ chúng tôi đang xác minh xem liệu có công dân Mỹ trên chuyến bay này không. Đó là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi lúc này”.

Trong một diễn biến liên quan, Reuters đưa tin, ngày 18-7, Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ đạo các quan chức Mỹ nhanh chóng làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ điều tra nguyên nhân gây ra vụ tai nạn rơi máy bay Malaysia. Tổng thống Obama cũng cam kết hỗ trợ cho các nước bị ảnh hưởng sau vụ tai nạn.

Hiện cả Ukraine và Nga đều cáo buộc và đổ lỗi cho nhau về vụ việc.

Vùng Donetsk vẫn còn là khu vực giao tranh ác liệt giữa quân đội chính phủ và phe ly khai Ukraine.

Khoảnh khắc MH17 phát nổ trên mặt đất:

.
 
Quang Hiển (theo RT, CNN, Reuters)

 

;
.
.
.
.
.