Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Ukraine đã làm quan hệ giữa Nga với Mỹ và các nước phương Tây trở nên băng giá kể từ sau Chiến tranh Lạnh kết thúc vào những năm 90 của thế kỷ trước.
Cuối tháng 7 vừa qua, từ quan điểm áp đặt trừng phạt đối với những cá nhân và một số công ty, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã chuyển sang các biện pháp chống lại toàn bộ lĩnh vực của nền kinh tế Nga, bao gồm cả ngân hàng, quốc phòng và năng lượng để buộc Mátxcơva phải thay đổi chính sách đối với Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov gặp gỡ tại thủ đô Paris của Pháp ngày 14-10 vừa qua. Ảnh: AP |
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NTV ngày 20-10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, phương Tây không che giấu sự thật rằng, mục đích của biện pháp trừng phạt và áp lực đối với Nga không phải là Ukraine. Theo ông, Washington và EU đang cố gắng áp đặt cho Mátxcơva quan điểm của mình.
Ông Lavrov khẳng định: “Chúng tôi muốn hợp tác bình đẳng và công bằng. Chúng tôi muốn chính sách đối ngoại phải thoát khỏi hệ tư tưởng hy sinh nền kinh tế nhằm đạt được mục tiêu địa chính trị đáng ngờ. Có những người cho rằng, phía Nga cần thực hiện những nhượng bộ đơn phương để có được lợi ích kinh tế và để tránh thiệt hại. Tôi không thuộc nhóm đó, không phải vì tôi không yêu đất nước tôi, mà vì chính sách đối ngoại ở các nước như Nga có nhiệm vụ phải bảo vệ chân lý và bình đẳng, là bản chất dân chủ trong quan hệ quốc tế”.
Mấy ngày qua, các chính khách Mỹ và phương Tây cho biết, Nga phải lựa chọn các điều kiện sau đây: Nếu giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Nga sẽ được hủy bỏ các biện pháp trừng phạt. Còn Mátxcơva vẫn tiếp tục các chính sách như hiện nay thì Mỹ và các nước phương Tây sẽ gia tăng trừng phạt (?!).
Theo ông Lavrov, Nga có câu trả lời đơn giản: Sẽ không tán thành với các kiểu tiêu chuẩn và điều kiện như vậy.
Có một nghịch lý là khi Mỹ, EU và các đồng minh khác tìm mọi cách gia tăng trừng phạt, loại Nga ra khỏi “cuộc chơi” ở G7…, họ lại rất cần Nga trên nhiều vấn đề quốc tế và cả kinh tế. Khí đốt là mối quan tâm hàng đầu của EU, nên không thể khước từ nguồn cung cấp từ Nga. Nếu đoạn tuyệt với khí đốt thì nhiều nước EU sẽ xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng, nhất là khi mùa đông tới.
Một ví dụ khác, Washington ra sức cô lập Nga nhưng đồng thời Nhà Trắng lại kêu gọi Mátxcơva hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề của Iraq, Syria, để chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Thái độ đó của Mỹ được Ngoại trưởng Sergei Lavrov bình luận: “Đây là một tính năng đặc trưng của Mỹ - một cách tiếp cận thực dụng trong quan hệ quốc tế. Họ cho rằng, họ có quyền trừng phạt những nước không làm theo cách mà Washington mong muốn. Nhưng họ lại yêu cầu các nước đó hợp tác về các vấn đề mang tính sống còn đối với Mỹ và đồng minh của họ”. Ông Lavrov nhấn mạnh: Đây là cách tiếp cận sai lầm và tôi đã nói điều đó với ông John Kerry. Tôi cho rằng, ông ta cũng hiểu được sự thất bại của những nỗ lực như vậy - ít nhất là liên quan đến quan hệ giữa Mỹ và Nga”.
Hiện nay, Nga bỏ ngỏ mọi khả năng giải quyết các bất đồng với Mỹ và phương Tây nhằm chấm dứt căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraine. Song, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định: Mỹ và phương Tây cần thay đổi phương pháp tiếp cận khi giải quyết các vấn đề thế giới nói chung và Ukraine nói riêng.
Hay nói cách khác, Nga bỏ ngỏ mọi khả năng để tái khởi động mối quan hệ Nga - Mỹ và các nước đồng minh khác của Washington vốn đang chạm đáy của sự lạnh nhạt.
Nga yêu cầu Ukraine trả nợ khí đốt Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 22-10 nói rằng, Ukraine nên tìm cách trả nợ khí đốt cho Mátxcơva trong thời hạn một tuần. Theo Bộ trưởng Novak, bế tắc sẽ kết thúc khi Mátxcơva nhận được sự bảo đảm tài chính từ Kiev. Vòng đàm phán mới nhất về vấn đề khí đốt giữa Nga và Ukraine diễn ra vào ngày 21-10 đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Ủy viên phụ trách vấn đề năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) Guenther Oettinger nói rằng, nguyên nhân do Kiev không thanh toán được nợ khí đốt. Ukraine muốn dùng số tiền Nga trả trước cho việc trung chuyển khí đốt để thanh toán nợ, nhưng Mátxcơva không đồng ý và yêu cầu EU phải đứng ra bảo đảm cho khả năng trả nợ của Kiev. Vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 29-10 tới. Trong khi đó, Reuters cho biết, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk bày tỏ sự nghi ngại về việc xây dựng quan hệ với Nga. Ông cho rằng, những nỗ lực để tiến tới một thỏa thuận đang bị “xung đột chính trị rộng hơn” giữa hai nước cản trở. THIÊN BÌNH |
TUYẾT MINH