.

Sự vắng mặt của ông Kim Jong-Un là để gây chú ý

.

ĐNĐT - Một cựu nhân viên ngoại giao Mỹ nhận định, sự vắng mặt kéo dài của nhà lãnh đạo Kim Jong-Un khỏi công chúng có thể là một cố gắng của Bình Nhưỡng nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế ở thời điểm mà Mỹ đang tập trung vào các ưu tiên khác. 

Sự vắng mặt kể từ sau ngày 3-9-2014 tới nay của Nhà lãnh đạo Kim Jong-Un đã gây sự chú ý rất lớn của cộng đồng quốc tế.  Ảnh: AFP
Sự vắng mặt kể từ sau ngày 3-9-2014 tới nay của Nhà lãnh đạo Kim Jong-Un đã gây sự chú ý rất lớn của cộng đồng quốc tế. Ảnh: AFP

Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ sáu (10-10) với hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, cựu Phó đại sứ Mỹ tại Seoul, Mark Tokola nhận định rằng, trong vài tháng qua, Triều Tiên không được thế giới chú ý lắm bởi nhiều điều xảy ra trên thế giới, như vấn đề Crimea, Ukraine, ISIS…

Với 38 năm kinh qua công việc ngoại giao, kể cả các nhiệm vụ như phó đại sứ tại các sứ quán Mỹ ở Mông Cổ, Iceland và vừa nhậm chức Phó Chủ tịch của Viện Kinh tế Triều Tiên ở Mỹ có văn phòng tại Washington (KEI) tuần trước, ông Tokola cho rằng, việc vắng mặt hơn tháng nay của nhà lãnh đạo Triều Tiên chẳng là điều mảy may báo động với các chuyên gia.

Theo đó, ông nói rằng trong quá khứ, có một hình mẫu là Triều Tiên được cả thế giới chú ý đến. Có lẽ đây là cách mà họ, không cần làm gì mang tính khiêu khích như thử hạt nhân, phóng tên lửa cũng gây sự chú ý của cộng đồng thế giới.

Sự vắng mặt của ông Kim Jong-Un trong hơn một tháng qua, thậm chí là vào ngày kỷ niệm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên, đã làm dấy lên nhiều lời đồn đoán, từ vấn đề sức khỏe của ông cho tới đảo chính quân sự.

Tuy nhiên, Nhà Trắng đã bác bỏ toàn bộ các giả thuyết đó. Mặc dù người ta tự hỏi, hiện ông Kim đang ở đâu và tình hình nắm quyền của ông như thế nào.

Theo Tokola, một cựu quan chức ngoại giao từng phục vụ tại Seoul từ 2009 đến 2012, thì ông Kim Jong-Un vẫn đang “rất có quyền lực”.

Hiện báo chí vẫn đang tập trung vào sự vắng mặt của ông Kim Jong-Un. Tuy vậy, ông Tokola cho rằng, đối với công chúng, có vẻ như đây là một vấn đề đáng lo, nhưng những người từng am hiểu về Triều Tiên trong một thời gian dài đã nhìn thấy lãnh đạo Triều Tiên vắng mặt trong quá khứ. Chuyện đó cũng đã xảy ra.

Khi đề cập tới các hành động mang tính hàn gắn mới đây của Bình Nhưỡng, ông Tokola cho rằng, Triều Tiên từng có những cử chỉ như thế này trong quá khứ nhằm đạt được sự nhượng bộ. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, từ chối một cơ hội hàn gắn quan hệ là một ý kiến tồi do các kinh nghiệm quá khứ.

Theo đó, ông cho rằng, nếu có một cơ hội để tạo ra tiến triển, thì cơ hội đó cần được nắm bắt. Và quan trọng là phải nhận thức rằng, hành động cần hơn là lời nói.

Liên quan đến tình hình Triều Tiên, ngày 12-10, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Susan Rice phát biểu trên chương trình Gặp gỡ báo chí của Đài NBC rằng, Mỹ đang theo dõi sát sao tình hình Triều Tiên. Đây là đất nước mà Mỹ quan sát với sự chú ý cao độ.

“Chúng tôi không nhìn thấy dấu hiệu nào của một sự chuyển giao quyền lực vào thời điểm mà chúng tôi xem là mang tính quyết định. Nhưng chúng tôi cũng sẽ tiếp tục theo dõi cẩn thận”, bà Susan Rice nói.

Quang Hiển (Theo Yonhap)

;
.
.
.
.
.