Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới, Thủ tướng Úc Tony Abbott cam kết sẽ chất vấn Tổng thống Nga Vladimir Putin về vụ máy bay Boeing 777 của Hãng hàng không Malaysia mang số hiệu MH17 bị bắn rơi ở đông Ukraine.
Thủ tướng Úc Tony Abbott trong một lần đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân MH17. Ảnh: AP |
Dù còn một tháng nữa, Hội nghị nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) mới diễn ra ở thành phố Brisbane của Úc, nhưng hiện có rất nhiều câu hỏi được đề cập liên quan đến sự kiện này, trong đó có việc tham dự của Nga và số phận của chiếc máy bay MH17.
Chủ trì Hội nghị ở Brisbane, Úc không ngăn cản sự hiện diện của nhà lãnh đạo Nga, nhưng bày tỏ sự không hài lòng khi vụ bắn rơi MH17 vào tháng 7 vừa qua vẫn chưa được làm rõ. Trong số 298 người có mặt trên chiếc máy bay xấu số, nhiều người là công dân Úc.
Trả lời báo giới ngày 13-10, Thủ tướng Úc Tony Abbott cam kết “đối đầu” với Tổng thống Vladimir Putin tại Hội nghị G20. Theo AFP, ông Abbott sẽ nói với người đứng đầu Điện Kremlin rằng, “người Úc đã bị sát hại và họ bị sát hại bởi lực lượng phiến quân thân Nga sử sụng thiết bị do Mátxcơva cung cấp”. Ông Abbott kêu gọi phía Nga hợp tác toàn diện với cuộc điều tra hình sự để tìm ra sự thật và cũng để thực thi công lý. “Tôi nghĩ sẽ có nhiều cuộc đối thoại căng thẳng với Nga và đối thoại giữa tôi với Tổng thống Putin sẽ là cuộc hội đàm căng thẳng nhất”, Thủ tướng Abbott nói.
Đến nay, Mỹ và phương Tây vẫn chỉ trích Nga hậu thuẫn cho lực lượng phiến quân ở đông Ukraine dùng tên lửa đất đối không BUK bắn hạ. Tuy nhiên, Mátxcơva kiên quyết bác bỏ cáo buộc này.
Ban đầu, Thủ tướng Abbott không muốn nhà lãnh đạo Nga đến Brisbane nhưng các thành viên G20 cho rằng, Canberra không nên đơn phương hành động như vậy nhằm tránh những căng thẳng địa chính trị; hơn nữa, Canberra không có quyền ngăn cản bất kỳ quốc gia thành viên nào của G20 dự hội nghị.
Trong lúc đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đề xuất Tư lệnh Vệ binh quốc gia Stepan Poltorak làm Bộ trưởng Quốc phòng mới của nước này sau khi ông sa thải Valeriy Geletey, người nắm giữ cương vị này chỉ vỏn vẹn 3 tháng. Quyết định của ông Poroshenko gây ngạc nhiên trước thềm đàm phán cấp cao với Nga tại Milan (Ý) vào ngày 17-10 tới, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu (ASEM). Người mới được bổ nhiệm sẽ là Bộ trưởng Quốc phòng thứ tư của Ukraine chỉ trong vòng một năm. Hôm nay (14-10), Quốc hội Ukraine sẽ bỏ phiếu thông qua đề xuất của ông Poroshenko.
Tổng thống Poroshenko nhấn mạnh, cần thúc đẩy các cơ quan an ninh và tăng cường khả năng phòng vệ của Ukraine, quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ. Song, theo giới quan sát, việc sa thải ông Geletey minh chứng sự thất bại của quân đội chính phủ trong cuộc giao tranh với quân nổi dậy thân Nga, khi số người chết đã lên đến hơn 3.600 người, bao gồm binh sĩ Ukraine, lực lượng ly khai và thường dân.
Về cuộc gặp gỡ với Tổng thống Putin sắp tới, Reuters cho biết, ông Poroshenko thừa nhận cuộc hội đàm này sẽ không dễ dàng. Song, nhà lãnh đạo Kiev đang đối mặt với áp lực trong nước khi các đảng lo ngại ông sẽ nhượng bộ lực lượng ly khai ở phía đông quá nhiều.
PHÚC NGUYÊN