.

Xóa bỏ giao dịch tiền mặt

.

Ở Anh, tiền mặt hiện chiếm 3% các giao dịch. Ở Mỹ, tỷ lệ này là 10%. Theo chuyên gia Kenneth Rogoff của Đại học Harvard, việc loại bỏ tiền mặt sẽ giúp các chính phủ thu được nhiều thuế hơn, chống tội phạm và phát triển hiệu quả hơn chính sách tiền tệ.

Một máy ATM bitcoin được đặt tại nhà hàng ở San Diego, California ngày 18-9-2014. Theo đó, người dùng có thể đổi tiền mặt thành tiền bitcoin thông qua giao dịch mã QR với một phần mềm trên thiết bị di động của họ. 			           Ảnh: Reuters
Một máy ATM bitcoin được đặt tại nhà hàng ở San Diego, California ngày 18-9-2014. Theo đó, người dùng có thể đổi tiền mặt thành tiền bitcoin thông qua giao dịch mã QR với một phần mềm trên thiết bị di động của họ. Ảnh: Reuters

Từ khi tiền mặt được phát minh vào thế kỷ 7 trước Công nguyên đã trở thành phương thức giao dịch thuận tiện nhất. Nhưng khi việc thanh toán điện tử trở nên dễ dàng hơn, gần đây nhất là việc triển khai hệ thống “thanh toán không cần quẹt” của hãng Apple, các chuyên gia kinh tế bắt đầu đặt câu hỏi: liệu tiền mặt (gồm tiền giấy và tiền xu) có còn tồn tại?

Tiền mặt hiện chỉ chiếm một phần nhỏ trong lượng tiền lưu hành. Phần còn lại là số dư trong các tài khoản ngân hàng, hoặc tại một ngân hàng nào đó (với trường hợp của doanh nghiệp hay cá nhân), hoặc tại ngân hàng trung ương (với trường hợp các ngân hàng). Khoản đó sẽ được lưu thông qua lại trong các giao dịch điện tử mà không bao giờ ở dạng tiền mặt.

Các nước giàu xa rời tiền mặt

Các nước giàu ngày càng ít phụ thuộc hơn vào tiền mặt. Trong khi đó, thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng và nhiều hình thức thay thế tiền mặt khác đang ngày càng phổ biến hơn.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2008, cứ 100.000 người thì có 83 người dùng tiền mặt; năm 2012, con số này là 68 người. Báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang (FED) tại San Francisco cũng cho thấy, ở Mỹ, số các giao dịch tiền mặt giảm trong những năm gần đây.

Đến giữa những năm 1990, tổng giá trị các tờ bạc mệnh giá 50 USD hoặc thấp hơn thường tăng hoặc giảm theo nền kinh tế. Từ năm 1993-2013, dù kinh tế Mỹ tăng 65% nhưng tổng giá trị các tờ bạc mệnh giá 50 USD hoặc thấp hơn lại giảm 19%.

Khó kiểm soát tiền mặt

Dù sự tồn tại của tiền mặt vẫn quan trọng nhưng nó gây nhiều vấn đề. Trong đó, tiền giả là một vấn nạn. Năm 2013, Ngân hàng Anh loại khỏi 680.000 tờ bạc giả, với tổng giá trị 11,5 triệu bảng Anh (19 triệu USD).

Không những thế, tiền mặt còn giúp bọn tội phạm lẩn trốn nhờ tính vô danh trong các giao dịch.

Trong nhóm các nước giàu thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD, “kinh tế ngầm” gồm những hoạt động không công khai với chính phủ, bất kể đó là doanh thu từ kinh doanh thuốc hay chăm sóc trẻ, chiếm khoảng 1/5 GDP. Khoản tiền này ít biến động trong cả thập kỷ.

Chuyên gia Rogoff ước tính ở hầu hết các nước, những khoản thu ngoài sự kiểm soát của chính quyền chiếm khoảng hơn 1/2 tổng giá trị các giao dịch tiền mặt.

Các tờ bạc mệnh giá lớn cũng là một phương diện hữu dụng khác với bọn tội phạm. Có 295 tỷ Euro (382 tỷ USD) trong tổng giá trị các tờ bạc mệnh giá 500 Euro được đưa vào lưu thông. Dù vậy, hầu hết người dân châu Âu chưa bao giờ trông thấy tờ bạc loại này, bởi bọn tội phạm đã chiếm dụng hết. Những tờ bạc có mệnh giá lớn giúp chúng tẩu tán thuận tiện các khoản tiền bất chính (khoảng tiền 1 triệu Euro nếu quy ở dạng tiền mặt với các tờ mệnh giá 500 Euro chỉ nặng khoảng 2,2 kg).

Loại bỏ tiền mặt cũng sẽ giúp loại bỏ hành vi giả mạo hiệu quả và giúp điều tra các khoản chi bất chính dễ dàng hơn. Rõ ràng, việc giảm thiểu tình trạng phạm tội sẽ đem lại lợi ích cả về xã hội lẫn kinh tế. Chỉ riêng việc giảm thiểu tình trạng trốn thuế cũng đem lại những lợi ích đáng kể. Theo ước tính của Đại học Tufts, nếu Mỹ loại bỏ tiền mặt, nước này sẽ thu thêm được 100 triệu USD/năm.

Lực đẩy từ “lãi suất âm”

Các chuyên gia chính sách tiền tệ cũng nhìn ra những lợi ích của một nền kinh tế không tiền mặt. Nhiều nước giàu hiện mắc kẹt ở “giới hạn thấp hơn 0” (zero lower bound), nghĩa là lãi suất gần xuống tới 0. Những nền kinh tế này sẽ được phục hồi nhờ giải pháp kích thích tiền tệ dưới hình thức lãi suất âm, yếu tố sẽ thúc đẩy các khoản tiền tích trữ vào chi dùng, đầu tư. Theo báo cáo của Cleveland Fed năm 2012, lãi suất “lý tưởng” cho nền kinh tế Mỹ ở giai đoạn khủng hoảng sâu là -6%.

Tuy nhiên, việc kéo dài sử dụng tiền mặt sẽ khiến mức lãi suất âm giảm bớt hiệu quả. Các giám đốc ngân hàng trung ương cho rằng, người dân sẽ lại chỉ rút tiền ra và lưu trữ ở dạng các tờ bạc mệnh giá lớn. Thực tế, họ đã làm như vậy ở những nước có lãi suất ngân hàng quá thấp. Từ năm 2009-2013, tổng giá trị các tờ bạc mệnh giá 100 USD trong lưu thông đã tăng 30% trong điều kiện thực tiễn. FED cho rằng, lãi suất ngân hàng thấp là một phần nguyên nhân của tình trạng đó.

Song, ngay tại những nước giàu, vẫn còn rất nhiều người không muốn gửi tiền vào ngân hàng mà chỉ tin vào tiền mặt. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, các ngân hàng trung ương cũng chịu ảnh hưởng trong việc này. Họ đổ tiền vào nền kinh tế ở cả dạng tiền mặt lẫn dạng ảo thông qua việc mua nợ của chính phủ. Họ không trả lãi cho khoản tiền đã tạo ra nhưng kiếm lời từ các trái phiếu đã mua. Các khoản lãi kiếm được theo cách này gọi là thuế đúc tiền, sẽ được chuyển vào kho bạc nhà nước. Chuyên gia Bhaskar Chakravorti của Đại học Tufts ước tính mỗi năm, thuế đúc tiền thường mang về khoản lợi nhuận 20 tỷ USD. Ngân hàng Anh cũng kiếm được khoảng 500 triệu bảng/năm theo cách này.

Tuy nhiên, vẫn còn chút lo ngại của người dân về sự can thiệp vào tính riêng tư khi loại bỏ giao dịch tiền mặt. Một số người có thể vì không thích chuyện này mà từ chối dùng đồng tiền trong nước để chuyển sang các hình thức lưu trữ tài sản khác như ngoại tệ hay Bitcoin (tiền kỹ thuật số).

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.