Ngày 16-12, Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) công bố một báo cáo cho biết, trong năm qua đã có 66 nhà báo bị sát hại dưới nhiều hình thức dã man, trong khi số vụ bắt cóc nhà báo cũng tăng mạnh.
Ông Chritophe Deloire (Ảnh: Arab News) |
Tập trung trước tháp Eiffel ở Paris (Pháp), các nhà báo thuộc RSF mang theo biểu ngữ và chân dung của nhiều nhà báo thiệt mạng, như để nhắc nhở mọi người về sự nguy hiểm của nghề làm báo, đồng thời kêu gọi sự bảo đảm an toàn hơn nữa cho những phóng viên dũng cảm không ngại gian khó để đưa tin từ các cuộc xung đột.
Tổng thư ký của tổ chức này, ông Chritophe Deloire nói rằng, chưa bao giờ những người làm báo lại đối mặt với nhiều hiểm nguy như hiện nay.
Ông Chritophe Deloire nói: “Trong năm 2014, hẳn ai cũng biết vụ hành quyết dã man những nhà báo của Mỹ. Nhưng trên thế giới đã có 66 nhà báo bị giết hại trong khi đang tác nghiệp. Kể từ năm 2005, nghĩa là chưa đầy 10 năm, hơn 720 nhà báo đã bị sát hại khi họ đang làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, số vụ bắt cóc nhà báo làm con tin cũng ngày càng gia tăng”.
Báo cáo cho biết, so với năm ngoái, tỷ lệ các nhà báo bị bắt cóc đã tăng 35%, lên 119 người.
Các vụ bắt cóc chủ yếu xảy ra tại khu vực Đông Nam nhiều bất ổn ở Ukraine, vùng Trung Đông và Bắc Phi.
Trong số những nhà báo bị bắt cóc có 33 người tác nghiệp tại Ukraine, 29 người ở Lybia, 27 người tại Sirya và số còn lại ở các nước khác...
Bản báo cáo nói rằng, việc các nhà báo ngày càng phải đối mặt với nhiều nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp đang làm ảnh hưởng đến việc đưa tin độc lập và cản trở nỗ lực phản ánh chi tiết những sự kiện đang diễn ra.
Trong số các vụ nhà báo bị sát hại có lẽ gây phẫn nộ nhất trong cộng đồng quốc tế là vụ các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mới đây hành quyết một cách tàn ác hai nhà báo Mỹ James Foley và Steven Sotloff.
Trước đó, vào tháng 3, nhà báo Sardar Ahmad của hãng tin AFP cũng bị bắn chết cùng vợ và 2 người con khi các tay súng Taliban chiếm đóng một khách sạn ở thủ đô Kabul ở Afghanistan.
VOV