Quốc tế

Căng thẳng Nga - phương Tây: Belarus hưởng lợi

07:38, 23/12/2014 (GMT+7)

Quan hệ giữa Nga với phương Tây trở nên xấu đi vô hình trung mang đến lợi ích cho Belarus, quốc gia trung gian trong các cuộc đàm phán nhằm thúc đẩy hòa bình ở đông Ukraine.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (phải) chào đón Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại Kiev. 		Ảnh: AP
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (phải) chào đón Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại Kiev. Ảnh: AP

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko có chuyến thăm Ukraine ngày 21-12, gặp gỡ Tổng thống nước chủ nhà Petro Poroshenko, với cam kết sẽ hỗ trợ Kiev và Ukraine cũng có cam kết tương tự: hỗ trợ Belarus trong khuôn khổ “Đối tác phương Đông”. AP cho biết, ông Lukashenko đang thúc đẩy vai trò mới của mình: trung gian đàm phán hòa bình Ukraine.

Đất nước Belarus, với dân số 10 triệu người, đang được hưởng lợi từ việc tái chế và đơn giản chỉ đóng gói lại để xuất khẩu các thực phẩm của châu Âu không được vào Nga - một biện pháp của Mátxcơva nhằm đáp trả sự trừng phạt của phương Tây. Ví dụ điển hình nhất, xuất khẩu cá biển của Belarus, một quốc gia không giáp biển, đã tăng gấp đôi trong 3 tháng qua.

AP dẫn lời ông Alexander Klaskovsky, nhà phân tích độc lập ở thủ đô Minsk của Belarus, nói rằng Tổng thống Lukashenko bày tỏ hy vọng nước ông sẽ tạo cầu nối giữa phương Đông và phương Tây. Ông Lukashenko có mối quan hệ thân thiện với cả hai nhà lãnh đạo Nga lẫn Ukraine. Trong khi đó, Belerus giữ vai trò trung lập trong đàm phán hòa bình để giải quyết căng thẳng ở Ukraine. Nga và phương Tây đều thích Belarus tiếp tục thúc đẩy vai trò trong các cuộc đàm phán.

Theo một người phát ngôn của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo này với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại Kiev “hoàn toàn không liên quan” đến nhóm liên hệ quốc tế đang tìm kiếm biện pháp giải quyết cuộc xung đột giữa quân chính phủ với lực lượng ly khai tại Ukraine.

Belarus là đồng minh thân thiết của Nga nhưng cũng có quan hệ vững chắc với Ukraine. Belarus đã chủ trì vòng đàm phán hòa bình hồi đầu tháng 9 vừa qua với sự tham dự của Nga, Ukraine cùng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), kéo theo một thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên liên quan. Vòng đàm phán mới dự kiến sẽ diễn ra cũng tại thủ đô Minsk sau khi thỏa thuận tháng 9 bị phá vỡ nhưng chưa có thông tin chi tiết về sự kiện này.

AP cho hay, khi mối quan hệ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với phương Tây không nồng ấm, Tổng thống Belarus Lukashenko cũng không còn là mục tiêu chỉ trích của phương Tây về một số vấn đề ở quốc gia này. Theo nhà phân tích Klaskovsky, Belarus trở thành một đối tác được tôn trọng và ông Lukashenko đang tận dụng điều này.

Cụ thể, chính phủ của ông hiện đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về một khoản vay mới; Bộ trưởng Kinh tế Belarus gần đây đã tham dự một hội nghị ở London (Anh) nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. “Belarus nhận thấy các khoản trợ cấp của Nga sẽ cạn dần do kinh tế Nga suy thoái. Vì vậy, ông ấy (Tổng thống Lukashenko) tìm kiếm các nguồn tài chính khác”, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Mises ở Minsk Yaroslav Romanchuk nói.

Hơn nữa, ông Lukashenko nắm quyền trong 2 thập niên qua đang có ý định tái tranh cử trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 11-2015. Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử, Belarus rất cần tiền, đó là chưa kể đến việc nước này phải trả 4 tỷ USD nợ nước ngoài - con số không nhỏ đối với một quốc gia chỉ có 5,8 tỷ USD dự trữ ngoại tệ.

Dù Tổng thống Lukashenko đang hướng sang phương Tây nhưng Nga, vốn cung cấp cho Belarus năng lượng giá rẻ và các khoản vay, vẫn là nhà bảo trợ của Minsk. Đơn giản vì Mátxcơva vẫn cần có một đồng minh chính trị và quân sự lớn. Hồi đầu năm nay, Nga, Belarus và Kazakhstan đã ký kết một thỏa thuận thành lập Liên minh Kinh tế Á - Âu. Đây là dự án của Tổng thống Putin nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước từng thuộc Liên Xô cũ.

PHÚC NGUYÊN

.