Quốc tế
Hàn Quốc: Rò rỉ khí ở một nhà máy điện nguyên tử, 3 người chết
Một vụ rò rỉ khí đốt tại một lò phản ứng nguyên tử đang được xây dựng ở Hàn Quốc hôm 26-12 đã làm ba người chết. Tuy vậy, đơn vị chủ quản bác bỏ mọi liên hệ với một vụ tấn công tin học nhắm vào nhà máy này hồi tuần trước.
Nhà máy điện hạt nhân Shin-Kori, ngoại ô Busan, Hàn Quốc (ảnh chụp ngày 29/05/2013) |
Một phát ngôn viên của KHNP (Korea Hydro and Nuclear Power) khẳng định "không có bất kỳ vụ nhiễm xạ nào", và không có dấu hiệu rò rỉ phóng xạ, nhưng cần phải xác định nguyên nhân vụ này.
Các công nhân bị nạn dường như hít phải khí azote trong khi đang kiểm tra an toàn trong một gian ở tầng hầm chứa đầy cáp của nhà máy điện hạt nhân Gori, gần thành phố cảng Busan ở miền đông nam.
Theo phát ngôn viên trên, ba công nhân "được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh và sau khi chuyển đến bệnh viện thì đã tử vong". Các lò phản ứng khác của nhà máy điện Gori vẫn hoạt động bình thường, và vụ rò rỉ khí "không có liên quan gì đến vụ tấn công tin học mới đây".
Vụ rò rỉ khí đốt xảy ra tại lò phản ứng mới mang số 3 của Gori, nhà máy điện nguyên tử lớn nhất Hàn Quốc. Lò này đã hoàn thành đến 99%, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng Sáu tới.
Tuần trước, các bản đồ và tài liệu hướng dẫn vận hành các lò phản ứng ở nhà máy điện nguyên tử Gori và nhà máy Wolsong bên cạnh đã bị công bố trên Twitter, cùng với các dữ liệu cá nhân liên quan đến 10.000 công nhân viên của KHNP.
Theo công ty, đây không phải là các thông tin mật, và tin tặc không thể gây rối loạn hoạt động của bất kỳ lò nào trong số 23 lò phản ứng hạt nhân của Hàn Quốc.
Sau vụ tin tặc xâm nhập, chính quyền đã tăng cường an ninh. Đơn vị chiến tranh tin học của Bộ Quốc phòng nâng mức độ cảnh báo đối với các vụ tấn công từ Bắc Triều Tiên và những nơi khác.
Tin tặc tự giới thiệu là trưởng một nhóm đấu tranh chống nguyên tử lực, và đe dọa sẽ tiết lộ thêm thông tin nếu chính phủ không đóng ba lò phản ứng kể từ ngày 25-12.
Các nhà điều tra hôm thứ Tư 24-12 cho biết nghi can đã sử dụng nhiều địa chỉ IP ở Trung Quốc, cho dù điều này không phải luôn là một chỉ dấu đáng tin cậy để định vị một máy tính.
Về mặt chính thức, thì không loại trừ giả thiết có bàn tay của Bình Nhưỡng, mà Seoul thường cho là thủ phạm của nhiều vụ tấn công tin học nhắm vào các định chế quân sự, ngân hàng, cơ quan chính phủ, kênh truyền hình và các trang web thông tin của Hàn Quốc.
RFI