Quốc tế

Ông Chu Vĩnh Khang sẽ nhận bản án nào?

07:36, 08/12/2014 (GMT+7)

Sau khi ông Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, bị bắt vào ngày 5-12, nhiều câu hỏi đặt ra: ông sẽ đối mặt với những bản án nào khi cáo buộc cho thấy vị cựu quan chức cấp cao 72 tuổi này đã nhận hối lộ và để lộ bí mật quốc gia.

Ông Chu Vĩnh Khang đối mặt với nhiều cáo buộc, trong đó có tội nhận hối lộ và để lộ bí mật quốc gia.  					     		         Ảnh: AP
Ông Chu Vĩnh Khang đối mặt với nhiều cáo buộc, trong đó có tội nhận hối lộ và để lộ bí mật quốc gia. Ảnh: AP

Quyết định khai trừ Đảng được đưa ra đối với ông Chu Vĩnh Khang tại một cuộc họp của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 5-12. Những diễn biến mới này không gây bất ngờ bởi hồi tháng 7 vừa qua, ông Chu Vĩnh Khang đã bị điều tra do “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.

Sau Bạc Hy Lai - cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh - bị kết án tù chung thân về tội hối lộ, tham nhũng và lạm dụng quyền lực, vụ việc của Chu Vĩnh Khang càng gây chấn động trên chính trường Trung Quốc trong lúc Bắc Kinh “mạnh tay” với tệ tham nhũng trong Đảng và chính phủ. Ông Chu Vĩnh Khang cũng là đồng minh thân thiết với Bạc Hy Lai.

Nhiều tội danh

Tân Hoa xã cho biết, ông Chu Vĩnh Khang đối mặt với rất nhiều tội danh: tham nhũng, nhận hối lộ, tiết lộ bí mật quốc gia. “Các cuộc điều tra cho thấy, ông Chu Vĩnh Khang đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc chính trị, tổ chức và bí mật trong Đảng”, Tân Hoa xã dẫn Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc nêu rõ. Nghị quyết này cũng cho hay, ông Chu Vĩnh Khang đã lạm dụng quyền lực để giúp đỡ những người thân cận, tình nhân và bạn bè kiếm lợi lớn từ các hợp đồng thương mại, hậu quả là gây thiệt hại cho nhà nước Trung Quốc.

Về đời tư, ông Chu “ngoại tình với nhiều phụ nữ và sử dụng quyền lực của mình để có được cả tình dục lẫn tiền bạc”. Chính ông Chu cũng thừa nhận có quan hệ tình cảm với nhiều phụ nữ, trao đổi quyền lực để lấy tình dục và tiền.

Nhà bình luận chính trị Zhang Lifan ở thủ đô Bắc Kinh cho rằng, chỉ riêng cáo buộc “tiết lộ bí mật quốc gia” có thể dẫn đến một phiên tòa kín để xét xử ông Chu Vĩnh Khang. Theo đó, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, một trong những vị trí quyền lực nhất đất nước, có thể đối mặt với án tử hình hoặc tử hình treo. Song, theo các nhà phân tích, mức cao nhất sẽ là án tử hình treo và sẽ được hoãn thi hành án khoảng 2 năm. Trong thời gian hoãn thi hành án, nếu phạm nhân cải tạo tốt, mức án sẽ được giảm xuống còn tù chung thân hoặc tù có thời hạn.

Hầu hết các thành viên trong gia đình ông Chu Vĩnh Khang đã bị bắt. Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, nhà của ông Chu Nguyên Hưng, em trai ông Chu Vĩnh Khang, bị rà soát 2 lần và bị tịch thu tài sản với tội danh “sở hữu tài sản lớn không rõ nguồn gốc”. Tháng 2-2014, ông Chu Nguyên Hưng đã qua đời vì bệnh ung thư. Người em trai Chu Nguyên Thanh và vợ cũng bị điều tra từ tháng 12-2013.

Điều đáng nói là tài sản tịch thu từ gia đình ông Chu Vĩnh Khang lên đến 90 tỷ Nhân dân tệ (14 tỷ USD).

Những nấc thang quyền lực

Scandal liên quan đến ông Chu Vĩnh Khang được xem là bê bối tham nhũng lớn nhất kể từ năm 1949 đến nay ở Trung Quốc. Ông được sinh ra vào năm 1942 tại thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô; là con trai trưởng trong một gia đình nông dân nghèo.

AFP cho biết, ông Chu Vĩnh Khang tốt nghiệp Viện Hóa dầu Bắc Kinh (Trường ĐH Hóa dầu Trung Quốc). Những năm 1970, ông Chu Vĩnh Khang khởi nghiệp với vai trò kỹ thuật viên của Cục Khai thác Dầu khí Liêu Hà, thuộc tỉnh Liêu Ninh, nơi có trữ lượng dầu lớn thứ ba của Trung Quốc.

Năm 1996, ông trở thành Tổng Giám đốc Công ty Dầu khí nhà nước Trung Quốc (CNPC), sau đó được bổ nhiệm Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên. Tại tỉnh tây nam Trung Quốc này, ông nổi tiếng là một nhà lãnh đạo cứng rắn và được cho là “ngôi sao” đang lên. Và rồi ông trở thành nhân vật trung tâm mà một số nhà phân tích gọi đó là “phe dầu khí” trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (chỉ mạng lưới các chính trị gia nhiều ảnh hưởng xuất thân từ ngành này, hoặc có quan hệ thân cận với ngành dầu khí).

Năm 2002, ông Chu Vĩnh Khang bước lên vị trí quyền lực cao nhất: ông là một trong 25 thành viên của Bộ Chính trị và được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Công an. 5 năm sau, ông có tên trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị - cơ quan quyền lực tối cao ở Trung Quốc. Ông giữ vai trò Chủ tịch Ủy ban Chính trị và Pháp chế (CPLC), chịu trách nhiệm các vấn đề an ninh nội bộ (bao gồm hệ thống cảnh sát, tòa án và an ninh quốc gia).

Năm 2012, ông Chu Vĩnh Khang từ nhiệm trong một cuộc chuyển giao quyền lực sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18. Đến cuối năm 2013, các đồng minh thân cận và thành viên trong gia tộc họ Chu bắt đầu bị các cơ quan “soi”. Và ngày 29-7 vừa qua, ông Chu Vĩnh Khang bắt đầu bị điều tra do nghi ngờ “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Con trai ông, Chu Bân, ngay ngày hôm sau bị bắt giữ với cáo buộc “hoạt động kinh doanh trái phép”.

VĨNH AN

.