Quốc tế

Châu Âu lo ngại khủng bố

07:44, 20/01/2015 (GMT+7)

Các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) ngày 19-1 nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để bàn về mối đe dọa khủng bố ở châu lục này sau những vụ tấn công xảy ra gần đây.

Binh sĩ và cảnh sát Pháp tuần tra tại sân bay Charles de Gaulle, phía bắc Paris. 			Ảnh: AFP
Binh sĩ và cảnh sát Pháp tuần tra tại sân bay Charles de Gaulle, phía bắc Paris. Ảnh: AFP

Cả châu Âu được đặt trong tình trạng báo động cao sau khi các nhà chức trách Bỉ phát hiện một âm mưu khủng bố ở quốc gia này và sau khi các vụ tấn công gây chấn động nước Pháp làm 17 người chết. Vấn đề được các ngoại trưởng EU đặt ra là việc thúc đẩy hợp tác chống mối đe dọa từ những người châu Âu cực đoan tham gia chiến đấu cùng lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trở về nước.

Theo Reuters, các nhà ngoại giao đã cam kết chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan trở về từ Syria và Iraq. Cuộc họp của 28 nhà ngoại giao nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt diễn ra vào ngày 12-2 tới cũng bàn giải pháp chống khủng bố.

Một thực tế không thể phủ nhận là giới chức an ninh châu Âu lúc này lo lắng và thừa nhận đang đối phó với mối đe dọa ngày càng phức tạp từ các phần tử thánh chiến cực đoan. Châu Âu đang tìm kiếm một phản ứng thống nhất. “Chúng ta quyết tâm thực hiện những gì cần thiết để giữ cho châu Âu an toàn khỏi mối đe dọa khủng bố”, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nói.

Theo đó, các ưu tiên của liên minh này bao gồm: mạnh tay với việc buôn vũ khí, ủng hộ cảnh sát ở Trung Đông và Bắc Phi, nỗ lực ngăn chặn công dân EU ra nước ngoài tham gia chiến đấu, chia sẻ thông tin nhiều hơn cũng như hợp tác nhiều hơn.

Thủ tướng Anh David Cameron trước đó cũng cho rằng, đây là thời kỳ “cực kỳ nguy hiểm” khi châu Âu đối mặt với nguy cơ cao bị tấn công. Ngay trước hội nghị của các ngoại trưởng EU, Bỉ, Pháp và Đức đã tiến hành các chiến dịch chống khủng bố ở mỗi nước, bắt giữ hơn 20 nghi can.

Cảnh sát Bỉ đang truy tìm Abdelhamid Abaaoud, bị cáo buộc chủ mưu một kế hoạch tấn công các nhân viên cảnh sát nước này. Song, không có dấu hiệu cho thấy có mối liên hệ giữa Abdelhamid Abaaoud với các vụ tấn công gần đây ở Pháp.

Tại Đức, cảnh sát thành phố Dresden, bang Sachsen đã cấm tổ chức “Người châu Âu yêu nước chống Hồi giáo hóa phương Tây” (Pegida) tuần hành trong ngày 19-1. Các hoạt động biểu tình chống Pegida tại Dresden cũng bị cấm do lo ngại những kẻ Hồi giáo cực đoan trà trộn thực hiện các cuộc tấn công khủng bố. Pegida tuyên bố: mối đe dọa đến từ IS - lực lượng đóng tại Syria và Iraq, còn báo chí địa phương cho rằng, thủ lĩnh nổi bật nhất của phong trào Pegida, Lutz Bachmann, là mục tiêu tấn công của IS.

Pegida bắt đầu tuần hành vào tháng 10 năm ngoái và sau làn sóng tấn công ở Paris, hiện có 25.000 người tham gia phong trào này. Các cuộc tuần hành chống Hồi giáo đã lan khắp các nước châu Âu và ngày 19-1 diễn ra tại Copenhagen (Đan Mạch) với khoảng 300 người tham gia.

Với các ngoại trưởng châu Âu có mặt tại Brussels, quyết định đầu tiên của họ trong ngày 19-1 là thống nhất kháng cáo đối với phán quyết của Tòa án EU loại bỏ nhóm Hamas của Palestine khỏi danh sách khủng bố. Ngoài ra, các nhà ngoại giao cũng kêu gọi thành lập liên minh với các nước Arab để thúc đẩy hợp tác và chia sẻ thông tin.

Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU Federica Mogherini đã bàn thảo các vấn đề với Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Nabil El-Araby. Bà Mogherini cũng nhấn mạnh việc cần chia sẻ thông tin và hợp tác hơn nữa khi mối đe dọa hiện diện ở nhiều nơi trên thế giới, bắt đầu ở những nước Hồi giáo. Trong khi đó, một số ngoại trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ với các nước Hồi giáo hơn là đổ lỗi cho họ.

Song, AP cho biết, nhiều ngoại trưởng nói rằng, không có giải pháp nhanh chóng cho việc đối phó với các tay súng nước ngoài, câu trả lời thật sự là cần hỗ trợ để chấm dứt các cuộc xung đột ở Syria và Iraq. “Giải pháp lâu dài là sự ổn định và an ninh ở khu vực này để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của khủng bố và chủ nghĩa cực đoan”, Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstroem nói.

PHÚC NGUYÊN

.