Quốc tế

THẾ GIỚI TUẦN QUA

Giới hạn với Charlie Hebdo

07:48, 19/01/2015 (GMT+7)

Khi Charlie Hebdo ra ấn bản mới tiếp tục đăng tải tranh biếm họa về đấng tiên tri Mohammed thì chính nước Pháp và tuần báo này vấp phải làn sóng biểu tình từ các nước Hồi giáo. 

Biểu tình phản đối báo Charlie Hebdo trước Đại sứ quán Pháp ở thủ đô Sanaa của Yemen.  						                  Ảnh: AP
Biểu tình phản đối báo Charlie Hebdo trước Đại sứ quán Pháp ở thủ đô Sanaa của Yemen. Ảnh: AP

Giới phân tích cho rằng, thế giới lên án vụ thảm sát ở trụ sở Charlie Hebdo không đồng nghĩa với việc cổ súy tuần báo này tiếp tục đăng tranh biếm họa về đấng tiên tri Mohammed. Chính ông Henri Rousse, hiện 80 tuổi, người đồng sáng lập Charlie Hebdo cho rằng, tờ báo này đã đi quá xa trong việc dùng “những hình ảnh khiêu khích”.

Khuấy động sự tức giận, thù hận

Vậy, đâu là giới hạn đối với Charlie Hebdo trong khi Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố ủng hộ quyền tự do ngôn luận? “ Pháp có những nguyên tắc và giá trị riêng, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận… Ở Pháp, tất cả tín ngưỡng đều được tôn trọng”, ông Hollande nói như vậy, đồng thời chỉ trích các cuộc biểu tình chống Pháp tại những nước mà ông cho là “đã không hiểu sự tự do ngôn luận ở Pháp”.

Trong những ngày qua, sự thù địch và chống đối Pháp cũng như Charlie Hebdo đang sục sôi chưa từng có tại các nước Hồi giáo, từ Niger, Mali, Algeria, Senegal, Mauritania đến Jordan, Pakistan. Máu đã đổ với nhiều người chết và bị thương. Những người biểu tình nói rằng, những bức tranh biếm họa đã “tấn công vào tôn giáo của chúng tôi”. Những biểu ngữ được họ dùng khi những người biểu tình đổ xuống đường là: “Tất cả chúng tôi là Mohammed (đấng tiên tri Mohammed)”, “Xúc phạm đấng tiên tri là sự khủng bố toàn cầu”. Không còn sự cảm thông với Pháp sau các vụ tấn công khủng bố nữa mà giờ đây là sự căm hờn. Theo Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Chaudhry Nisar Ali Khan, việc khuấy động sự tức giận, thù hận dưới danh nghĩa tự do ngôn luận thì không tốt hơn so với các chiến binh khủng bố - những kẻ đã gây tội ác và bị lên án. Trong khi đó, Tổng thống Pakistan Mamnoon Hussain nhấn mạnh: “Tự do ngôn luận không có nghĩa là xúc phạm tín ngưỡng của người khác”.

Báo The Guardian của Anh cũng cho rằng: “Tự do phải được kiềm chế bởi trách nhiệm”. Và thực tế, không có tờ báo nào của Anh trong những ngày qua đăng tải lại hình ảnh biếm họa mà Charlie Hebdo đã đăng.

Từ lâu, Charlie Hebdo đã nằm trong tầm ngắm của lực lượng Hồi giáo cực đoan vì những tác phẩm chế nhạo tôn giáo, trong đó có đạo Hồi. Với việc ra ấn bản mới tiếp tục đăng tranh biếm họa đấng tiên tri, báo Charlie Hebdo có số lượng phát hành lên đến con số kỷ lục: 7 triệu bản. Theo CNN, từ 60.000 bản, số lượng của Charlie Hebdo tăng lên 1 triệu bản, rồi 3 triệu bản, 5 triệu bản và bây giờ là 7 triệu bản. Không chỉ độc  giả ở Pháp xếp hàng mua báo Charlie Hebdo mà người ta còn tìm mua báo ở Đức, nơi có bán tạp chí này vào ngày 17-1.

Tuy nhiên, AFP dẫn thăm dò của Ifop ngày 18-1 cho biết, hầu hết người dân Pháp phản đối cách làm quá đà của báo Charlie Hebdo. Cụ thể, 42% số người được hỏi cho rằng, không nên xuất bản các ấn phẩm biếm họa về đấng tiên tri của đạo Hồi, 50% số người bày tỏ sự ủng hộ việc hạn chế tự do ngôn luận trên mạng và trên các trang mạng xã hội. Song, 57% cho hay, việc người Hồi giáo phản đối Charlie Hebdo sẽ không ngăn chặn được việc xuất bản các tranh biếm họa.

Người Pháp lo lắng

Cũng theo thăm dò của Ifop, 68% số người được hỏi ủng hộ việc cấm công dân Pháp trở về nước nếu bị nghi ngờ tham gia chiến đấu ở những quốc gia hoặc ở những khu vực bị các nhóm khủng bố kiểm soát, như Syria. 57% phản đối việc quân đội Pháp can thiệp vào tình hình các nước Libya, Syria và Yemen. Những con số này minh chứng người dân Pháp lo ngại việc nhiều công dân các nước châu Âu (trong đó có công dân Pháp) tới Syria và Iraq tham chiến với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tính riêng số người Pháp hoặc người nhập cư liên quan đến các nhóm thánh chiến ở Trung Đông hiện lên đến hàng nghìn người. Ước tính có khoảng 600 tay súng người Pháp đã hoặc đang chiến đấu ở Syria hoặc Iraq, trong đó khoảng 200 người đã về nước.

Nước Pháp có cộng đồng theo đạo Hồi đông nhất Tây Âu (khoảng 5-6 triệu người) nên hoạt động của lực lượng Hồi giáo cực đoan phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Thêm vào đó, việc Pháp có mặt trong liên minh quốc tế chống IS ở Iraq và Syria, can dự vào cuộc chiến chống khủng bố ở Mali từ tháng 1-2013... càng khiến quốc gia châu Âu này trở thành mục tiêu của Hồi giáo cực đoan.

Song, đối phó với các vụ tấn công khủng bố liên tiếp ở Paris đã làm uy tín của Tổng thống Hollande tăng vọt. Ông Hollande vốn không được lòng cử tri Pháp thì nay được báo chí ca ngợi và giới phân tích ca ngợi vì cách xử trí khủng hoảng. Theo đó, tỷ lệ ủng hộ ông tăng từ 24% lên 35%, theo thăm dò của BVA. Đây là tỷ lệ cao nhất đối với nhà lãnh đạo này kể từ tháng 5-2015. Không những thế, tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Manuel Valls cũng tăng từ 35% lên 44%.

VĨNH AN

.