Quốc tế

Câu chuyện quốc tế

Vụ con tin và văn hóa Nhật Bản

08:32, 09/02/2015 (GMT+7)

Ở Nhật Bản, một trong những điều quan trọng là tránh làm phiền người khác. Trong vụ hai con tin Nhật bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hành quyết, không bàn đến sự cảm thông, chia sẻ, thì hai công dân xấu số này và ngay cả Thủ tướng Shinzo Abe đều bị xem là “những người gây rắc rối”.

Ngày 12-4-2004, tại Tokyo, gia đình 3 công dân Nhật Bản bị các chiến binh bắt làm con tin đã cúi đầu xin lỗi toàn thể dân chúng vì đã làm phiền mọi người. Ảnh: AP
Ngày 12-4-2004, tại Tokyo, gia đình 3 công dân Nhật Bản bị các chiến binh bắt làm con tin đã cúi đầu xin lỗi toàn thể dân chúng vì đã làm phiền mọi người. Ảnh: AP

Theo AP, nhiều người dân Nhật Bản cho rằng, nếu các con tin không phớt lờ cảnh báo của chính phủ về việc không nên đến Syria, hay nếu ông Abe không ủng hộ liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu chống IS thì xứ sở hoa anh đào sẽ không trải qua những cảm giác bất an và bị IS xem là mục tiêu như vậy.

“Họ đã gây rắc rối lớn cho chính phủ Nhật Bản và cho người dân Nhật Bản”, Taeko Sakamoto, một công dân 64 tuổi, sau khi bày tỏ sự cảm thông về cái chết của hai con tin Kenji Goto và Haruna Yukawa - những người vừa bị IS hành quyết, đã cho biết. Hơn nữa, Sakamoto xem ông Abe là “một phần của vấn đề” vì nhà lãnh đạo này đã không lường được những rủi ro khi thúc đẩy vai trò quân sự của Nhật Bản, vốn bị giới hạn theo khuôn khổ của Hiến pháp hòa bình sau Thế chiến thứ hai.

“Tôi không muốn ông Abe làm bất kỳ điều gì khác mang tính khiêu khích vì có thể càng đẩy chúng tôi vào những rủi ro”, Sakamoto nói.

Trước đó, Nhật Bản không liên quan trực tiếp vào cuộc chiến chống IS, lực lượng đang kiểm soát một phần rộng lớn lãnh thổ Syria và nước láng giềng Iraq. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi ông Abe đến Trung Đông và tuyên bố khoản viện trợ phi quân sự 200 triệu USD ủng hộ cuộc chiến chống IS, các chiến binh đã yêu cầu đúng con số này để chuộc hai con tin Goto và Yukawa.

Bất chấp những đe dọa của IS, Thủ tướng Abe vẫn giữ lập trường cứng rắn: không thỏa hiệp với lực lượng khủng bố này. Ngày 5-2 vừa qua, Hạ viện Nhật Bản thông qua nghị quyết lên án hành động đê hèn của những kẻ khủng bố trong việc hành quyết hai con tin. Nghị quyết nêu rõ: Nhật Bản cam kết mở rộng sự ủng hộ nhân đạo đối với khu vực Trung Đông và châu Phi, đồng thời cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy những nỗ lực chống khủng bố.

Thực tế, đối với Nhật Bản, Trung Đông là nơi xa xôi và nguy hiểm. Theo Giáo sư chính trị quốc tế Koichi Nakano tại Đại học Sophia ở Tokyo, Goto và Yukawa đã dám đến một nơi xa xôi và nguy hiểm như thế, đó là lý do vì sao nhiều người cảm thấy họ đã gây phiền toái.

Yukawa bị IS bắt giữ hồi tháng 8 năm ngoái. Song, sự chú ý của truyền thông Nhật Bản về số phận của công dân 42 tuổi này cứ nhạt dần. Yukawa dường như bị lãng quên. Đến ngày 20-1-2015, khi các chiến binh đặt điều kiện chuộc con tin với 200 triệu USD thì câu chuyện con tin “nóng” trở lại.

Riêng Goto nhận được sự cảm thông của người dân Nhật nhiều hơn bởi anh là nhà báo với các bài viết về trẻ em và những người tị nạn ở các khu vực bị chiến tranh tàn phá. Vợ và bạn bè của Goto nói rằng, anh đến Syria vào cuối năm ngoái để cứu Yukawa.

Tuy nhiên, với văn hóa “tránh làm phiền người khác”, gia đình của cả Goto lẫn Yukawa đều xin lỗi chính phủ và người dân Nhật Bản vì “những rắc rối mà con trai họ đã gây ra”, ngay cả khi hai con tin này đã chết.

Hai ngày sau khi văn phòng Thủ tướng Abe treo cờ rủ để tưởng niệm hai công dân xấu số, Masahiko Komura - Phó Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền xem Goto là “người gây rối”, chứ không phải là “người hùng”, bởi anh đã phớt lờ cảnh báo của chính phủ rằng không nên đến Syria. Việc chỉ trích người chết vốn là điều hiếm hoi ở Nhật Bản. Nhưng phát biểu của vị quan chức cấp cao của LDP với báo giới gửi gắm thông điệp rằng, các cá nhân cần hành động phù hợp với lợi ích của quốc gia.

Năm 2004, khi 3 người Nhật Bản bị bắt làm con tin ở Iraq để yêu cầu quân đội Nhật rút khỏi quốc gia vùng Trung Đông này trong 3 ngày. Sau đó, các con tin được phóng thích nhưng họ bị dư luận trong nước cho là “những người gây rối”. Tại thủ đô Tokyo, gia đình của các con tin đã cúi đầu xin lỗi toàn thể dân chúng.

Lần này, trong khi Thủ tướng Abe và các nghị sĩ của đảng cầm quyền khẳng định mối đe dọa của khủng bố đã đặt ra vấn đề: phải thúc đẩy vai trò quân sự của Nhật Bản, thì những người khác cho rằng, chính sách này đang khiến đất nước rơi vào nguy cơ bị tấn công. “Khủng hoảng con tin đang gây ra tác động to lớn đối với xã hội Nhật Bản và cho thấy hướng đi của nước Nhật để bảo đảm an ninh quốc gia”, Giáo sư Nakano nói. Tuy nhiên, cũng có nhiều người ủng hộ việc ông Abe mở rộng vai trò phòng vệ của Nhật.

THIÊN BÌNH

.