.

Ukraine lo chiến tranh lan rộng

.

Ukraine lo ngại bất ổn có thể lan rộng ở khu vực do lực lượng ly khai nắm giữ khi các cuộc giao tranh vẫn diễn ra, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 15-2 vừa qua.

Lực lượng Ukraine ở gần Artemivsk thuộc tỉnh Donetsk, khu vực đang xảy ra giao tranh.      Ảnh: AFP
Lực lượng Ukraine ở gần Artemivsk thuộc tỉnh Donetsk, khu vực đang xảy ra giao tranh. Ảnh: AFP

Ngày 23-2, quân đội Ukraine nói rằng, phía Kiev chờ đợi việc ngừng bắn toàn diện với lực lượng ly khai thân Nga trước khi rút vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng giao tranh. Việc rút vũ khí là một bước đi tiếp theo trong kế hoạch hòa bình do Đức và Pháp đề xuất, đồng thời làm trung gian hòa giải.

AFP dẫn lời người phát ngôn quân đội Ukraine Vladyslav Selevnyov khẳng định trên facebook: Kiev chỉ sẵn sàng rút vũ khí hạng nặng khi hoàn toàn ngừng bắn. Theo các điều khoản trong thỏa thuận ngừng bắn được ký kết vào ngày 12-2 tại thủ đô Minsk của Belarus, việc rút các vũ khí hạng nặng được bắt đầu từ ngày 17-2 và hoàn tất vào ngày 3-3 tới.

Cũng theo AFP, chỉ tính trong một tháng qua (từ ngày 18-1 đến 18-2), ở thị trấn Debaltseve thuộc tỉnh Donetsk, Ukraine đã mất 179 binh sĩ. Nếu con số này được xác nhận, đây là thiệt hại nặng nề nhất cho phía Kiev trong cuộc xung đột kéo dài 10 tháng. Ông Yuri Biryukov, cố vấn của Tổng thống Ukraine, xác nhận việc 110 binh sĩ của nước này bị lực lượng ly khai bắt giữ và 81 binh sĩ mất tích.

Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Quốc phòng Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, từ ngày 12-1 đến 20-2, tổng cộng 10.940 binh sĩ Ukraine chết và bị thương, trong đó có 4.110 người thiệt mạng; và 1.178 người bị quân ly khai bắt làm tù binh. Đó là chưa kể những thiệt hại khác về các phương tiện quân sự: xe tăng, xe bọc thép, pháo tự hành, pháo cối, giàn tên lửa…

Mối lo ngại của Ukraine về nguy cơ chiến tranh lan rộng dấy lên sau vụ nổ trong cuộc tuần hành ở thành phố Kharkiv, thành phố lớn nhất ở khu vực phía đông, cách vùng chiến sự 200km, vào ngày 22-2 làm 2 người chết. Giới chức Kiev đã bắt giữ 4 người, những người này bị cho là có trang bị vũ khí và được huấn luyện tại Nga. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho rằng, vụ nổ là nỗ lực trắng trợn để mở rộng lãnh thổ chủ nghĩa khủng bố.

Kiev cáo buộc Mátxcơva đứng sau vụ đánh bom này. Theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Nga và phiến quân chỉ tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn ở một vài khu vực và “nếu tình hình này tiếp diễn thì sẽ dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng hơn”. Tuy nhiên đến nay, Mátxcơva vẫn bác bỏ mọi liên quan đến việc hỗ trợ lực lượng ly khai chống chính phủ Kiev.

Thực tế, tuy lệnh ngừng bắn đã có hiệu lực nhưng các bên vẫn cáo buộc lẫn nhau về việc vi phạm thỏa thuận đã ký. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond chỉ trích rằng, thỏa thuận ngừng bắn “bị vi phạm có hệ thống”. Nếu các điều kiện ngừng bắn được đáp ứng sẽ mở đường để tiến tới đàm phán về quyền tự trị lớn hơn ở các khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát và cuối cùng là khôi phục sự kiểm soát của Ukraine về các đường biên giới giữa nước này với Nga. Cuộc gặp diễn ra hôm nay (24-2) giữa Pháp, Đức, Nga và Ukraine tại thủ đô Paris được cho là nỗ lực của nước chủ nhà để cứu vãn thỏa thuận hòa bình.

Trong khi đó, Mỹ vẫn để ngỏ khả năng vũ trang cho quân đội Ukraine. Ngoại trưởng Kerry nói rằng, trong vài ngày tới, Tổng thống Barack Obama sẽ quyết định những bước tiếp theo để giải quyết xung đột ở khu vực đông Ukraine, đồng thời sẽ đưa ra một số lựa chọn, trong đó có việc cung cấp vũ khí cho Kiev và siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga. Hiện Mỹ và các đồng minh châu Âu đang bàn thảo để đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình số 1 của Nga, cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, người đang sống lưu vong ở Nga, cam kết sẽ trở về nước ngay khi có điều kiện để giúp cho cuộc sống của nhân dân trở nên dễ dàng hơn. “Nhiệm vụ chính lúc này là phải chấm dứt chiến tranh”, ông Yanukovych nói.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.
.