Quốc tế

Cuộc đua chật vật của Thủ tướng Israel

07:48, 18/03/2015 (GMT+7)

Bầu cử Quốc hội Israel vào ngày 17-3 là cuộc đua chật vật của Thủ tướng Benjamin Netanyahu khi ông đối mặt với ứng cử viên hàng đầu của phe trung tả là Isaac Herzog của liên minh Zion.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu bỏ phiếu tại Jerusalem. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Benjamin Netanyahu bỏ phiếu tại Jerusalem. Ảnh: Reuters

Cuộc tổng tuyển cử lần thứ ba của Israel kể từ năm 2009 được xem là cuộc trưng cầu dân ý đối với 6 năm nắm quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Thăm dò dư luận cho thấy liên minh Zion thuộc đảng Lao động dẫn đầu với 25 ghế, đảng Likud của ông Netanyahu chỉ giành được 21 ghế, đảng Yesh Atid của cựu Bộ trưởng Tài chính Yair Lapid và Liên minh các đảng Arab cùng được 13 ghế, còn đảng Ngôi nhà Do Thái có 11 ghế.

AP dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, trong bối cảnh chính trị hiện nay ở Israel, khó đảng nào chiếm đa số ghế trong Quốc hội gồm 120 ghế. Và ngay cả khi đảng Lao động giành nhiều ghế hơn, quyền thành lập liên minh chính phủ vẫn có thể thuộc về đảng Likud.

Sau khi bỏ phiếu tại Jerusalem, Thủ tướng Netanyahu loại bỏ việc liên minh với đảng Lao động. “Sẽ không có một chính phủ thống nhất với đảng Lao động. Tôi sẽ hình thành một chính phủ dân tộc cánh hữu”, ông Netanyahu nói. Trong nỗ lực cuối cùng nhằm thuyết phục các cử tri cánh hữu bỏ phiếu cho ông, Thủ tướng Netanyahu cam kết ngăn chặn việc hình thành nhà nước Palestine, đồng thời cáo buộc các đối thủ đang gây nguy hại cho đất nước bằng việc tìm kiếm hòa bình với các nước láng giềng Arab. Ông Netanyahu nói: “Để ngăn cản các đảng cánh tả nắm quyền, chỉ có cách duy nhất cần làm là thu hẹp khoảng cách giữa Likud và đảng Lao động và hãy bỏ phiếu cho Likud”.

Ông Netanyahu cũng khẳng định sẽ không có nhà nước Palestine nếu nhà lãnh  đạo này tái đắc cử Thủ tướng. Vị Thủ tướng 65 tuổi lý giải rằng, nếu một nhà nước Palestine tồn tại bên cạnh Israel thì nó sẽ do người Hồi giáo cực đoan kiểm soát và lực lượng này sẽ “tấn công chúng ta bằng tên lửa”. Ông nhấn mạnh đến tính toàn vẹn của thánh địa Jerusalem, theo đó sẽ tiếp tục xây dựng các khu định cư cũng như tập trung bảo đảm an ninh cho nhà nước Do Thái.

Trong khi đó, Isaac Herzog cam kết tìm kiếm hòa bình với Palestine, khôi phục quan hệ với Mỹ và giảm khoảng cách đang gia tăng giữa người giàu với người nghèo. “Ai muốn theo con đường thất vọng và tuyệt vọng của ông Netanyahu thì hãy bỏ phiếu cho ông ta. Nhưng ai muốn sự thay đổi, hy vọng và thật sự muốn có một tương lai cho Israel thì hãy bỏ phiếu cho liên minh Zion do tôi dẫn đầu”, ứng cử viên của phe trung tả nói.

AFP cho rằng, mặc dù cuộc xung đột giữa Israel với Palestine không phải là ưu tiên hàng đầu của hầu hết các đảng trong chương trình tranh cử nhưng đây lại là vấn đề quan tâm của nhiều cử tri. Theo các nhà phân tích, phát biểu của Thủ tướng Netanyahu về việc không chấp nhận một nhà nước Palestine đánh dấu một canh bạc chính trị bởi ông lật ngược những gì từng cam kết với Mỹ. Trong nhiều năm qua, người đứng đầu chính phủ Tel Aviv khẳng định với cộng đồng quốc tế rằng, ông chấp nhận ý tưởng nhà nước Palestine và sẵn sàng đàm phán về việc hình thành một nhà nước như thế. Ông còn xây dựng hình ảnh Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas là một trở ngại chính của thỏa thuận hòa bình giữa Israel với Palestine.

Nếu ông Netanyahu tái đắc cử, sẽ càng khó khăn để Israel là đối tác của Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Washington vốn xem việc hình thành nhà nước Palestine là một vấn đề quan trọng trong chính sách Trung Đông. Vì vậy, theo ông Seleh Rafat, trợ lý của Tổng thống Abbas, thế giới cần “lắng nghe thận trọng” tuyên bố của ông Netanyahu và ngừng kêu gọi đối thoại với nhà lãnh đạo này xung quanh “giải pháp hai nhà nước” nếu ông tái đắc cử.

PHÚC NGUYÊN

.