Quốc tế

ĐẠI SỨ MỸ TẠI HÀN QUỐC BỊ TẤN CÔNG

Hành động chống liên minh Mỹ - Hàn?

07:45, 06/03/2015 (GMT+7)

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye gọi vụ tấn công đại sứ Mỹ tại trung tâm Seoul là hành động nhằm vào liên minh Mỹ - Hàn, đồng thời tuyên bố không dung thứ thủ phạm.

Đại sứ Mark Lippert bị thương ở mặt và tay trái.  		              Ảnh: AFP
Đại sứ Mark Lippert bị thương ở mặt và tay trái. Ảnh: AFP

Việc đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Mark Lippert bị tấn công bằng dao và bị thương ở mặt thật sự gây chấn động, trong lúc ông chuẩn bị dùng bữa sáng và sẽ có bài phát biểu tại Viện Văn hóa Sejong ở trung tâm Seoul ngày 5-3 để bàn thảo về việc hòa giải liên Triều. Mỹ không những là đồng minh thân thiết nhất mà còn là nhà bảo trợ quân sự chính, đối tác thương mại lớn và có những ảnh hưởng văn hóa đối với Hàn Quốc.

Reuters cho biết, ông Lippert bị những vết thương sâu ở mặt và cổ. Ông được đưa đến bệnh viện ngay sau đó. Sau khi trải qua ca phẫu thuật kéo dài 2,5 tiếng đồng hồ và khâu 80 mũi trên mặt, nhà ngoại giao 42 tuổi này đã bình phục nhưng phải lưu lại bệnh viện từ 3-4 ngày. Song, tay trái của ông chưa thể trở lại trạng thái bình thường trong một vài tháng.

Kẻ tấn công đã bị bắt. Cảnh sát xác định y là Kim Ki-jong, từng bị kết án 2 năm tù vì tội ném đá vào đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc năm 2010.

Phản đối cuộc tập trận Mỹ - Hàn

Theo cảnh sát, Kim Ki-jong đã dùng một con dao cắt trái cây để thực hiện vụ tấn công. Sau khi thẩm vấn, cảnh sát cho rằng, đây là hành động chống lại các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc đang diễn ra. Theo Kim Ki-jong, việc tập trận liên quan đến vấn đề hòa giải liên Triều. Người đàn ông 55 tuổi này đã mặc trang phục truyền thống của Hàn Quốc; trước khi tấn công đại sứ Lippert, ông hét lên, phản đối cuộc tập trận và nói rằng, Bình Nhưỡng và Seoul nên được thống nhất. Diễn tập thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc được bắt đầu hồi đầu tuần này, càng làm tình hình bán đảo Triều Tiên thêm “nóng”.

Kim Ki-jong khai nhận thực hiện vụ tấn công một mình. Trong khi đó, theo Yonhap, ông này là thành viên của nhóm đã đốt cờ Mỹ trước Đại sứ quán Seoul năm 1985, đồng thời dẫn đầu cuộc biểu tình bên ngoài căn cứ quân sự của Mỹ tại Seoul hồi tháng 11 năm ngoái. Ngoài ra, Kim Ki-jong cũng tổ chức chiến dịch phê phán Nhật Bản vì tranh giành quần đảo Takeshima/Dokdo với Hàn Quốc.

Một quan chức thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho hay, từ năm 2006-2007, Kim Ki-jong đến thăm CHDCND Triều Tiên 8 lần và đã trồng cây gần thành phố biên giới Kaesong.

Vụ việc vấp phải phản ứng gay gắt từ phía Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf chỉ trích mạnh mẽ hành động bạo lực này. Còn Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, phát biểu tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 5-3, gọi đây là “cuộc tấn công nhằm vào liên minh Mỹ - Hàn”. “Vụ tấn công là không thể dung thứ vì không chỉ tấn công thân thể đại sứ Lippert mà còn nhằm vào liên minh Mỹ - Hàn”, bà Park Geun-hye nói.

Hội đồng hòa giải và hợp tác Hàn Quốc, đơn vị tổ chức diễn đàn tại Seoul có sự tham dự của đại sứ Mark Lippert, cũng chỉ trích vụ việc và xin lỗi Washington cũng như Seoul.  

Đòn trừng phạt Mỹ?

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA mô tả vụ tấn công là “đòn trừng phạt thích đáng dành cho “kẻ hiếu chiến Mỹ” khi đẩy mạnh hoạt động tập trận quân sự chung với Seoul. KCNA còn gọi đây là “biểu hiện của sự phản kháng” của người Hàn Quốc đối với Mỹ khi dùng các cuộc diễn tập quân sự để đẩy bán đảo Triều Tiên đến bên bờ chiến tranh.

Hành động tấn công nhằm vào một quan chức cấp cao của Mỹ là điều bất thường ở Hàn Quốc. Bộ Ngoại giao ở Seoul cũng xác nhận đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại Hàn Quốc, một đại sứ nước ngoài bị tấn công bạo lực như thế ngay trên lãnh thổ nước này. Vụ việc đặt ra quan ngại về mối đe dọa trong xã hội nước này khi các cuộc biểu tình với quy mô từ nhỏ đến trung bình nhằm phản đối việc chia rẽ hai miền Triều Tiên vẫn diễn ra trên khắp Seoul, dù các cuộc biểu tình luôn mang tính hòa bình.

Mỹ ủng hộ Hàn Quốc chống lại CHDCND Triều Tiên trong suốt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Hiện có gần 30.000 binh sĩ Mỹ vẫn đồn trú tại Hàn Quốc. Các nhà hoạt động chống Mỹ lại xem các cuộc tập trận chung giữa hai nước đồng minh này là trở ngại lớn đối với mục tiêu hòa giải của hai nước trên bán đảo Triều Tiên.  

PHÚC NGUYÊN

.