Quốc tế

Một năm sau thảm họa MH370

Hàng không Malaysia cải thiện an toàn bay

07:42, 09/03/2015 (GMT+7)

Việc chiếc máy bay Boeing 777-200 của hãng hàng không Malaysia (MAS) mất tích vào ngày 8-3-2014 với 239 hành khách và phi hành đoàn, trên hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh đã gây chấn động. Suốt một năm tìm kiếm nhưng chiếc máy bay vẫn bặt tăm.

Thân nhân các nạn nhân người Trung Quốc trên chuyến bay MH370 cầu nguyện tại Kuala Lumpur (Malaysia) hôm 1-3. 						              Ảnh: Reuters
Thân nhân các nạn nhân người Trung Quốc trên chuyến bay MH370 cầu nguyện tại Kuala Lumpur (Malaysia) hôm 1-3. Ảnh: Reuters

Một năm sau ngày xảy ra vụ mất tích bí ẩn của MH370, hàng không Malaysia (MAS) công bố tăng tần suất giám sát vị trí tọa độ của các phi cơ trên hành trình bay dài. Theo đó, cứ 10-15 phút/lần máy bay phải báo cáo về tình hình của họ.

Reuters dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai cho biết, việc thay đổi này được thúc đẩy thêm, cùng với đề xuất từ phía tổ chức phụ trách hàng không của Liên Hợp Quốc về việc tăng tần suất giám sát trong hành trình bay sau vụ mất tích của máy bay MH370.

Tăng tần suất giám sát hành trình bay

Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã đề xuất một tiêu chuẩn toàn cầu: đến năm 2016, tất cả máy bay phải cung cấp thông tin về vị trí tọa độ của họ trên hành trình bay ít nhất 15 phút/lần.

Nhiều hãng hàng không cho rằng, đề xuất về thời gian thực hiện như thế là không khả thi. Tuần qua, Úc, Indonesia và Malaysia cho biết, trước khi có ý kiến của ICAO, họ đã triển khai thử nghiệm một hệ thống như vậy. Ông Liow nói: “Thực tế, chúng tôi đã chỉ đạo Hàng không Malaysia đi đầu trong việc giám sát máy bay theo thời gian thực tế và MAS đã triển khai hệ thống đó với những chuyến bay đường dài. Cứ 15 phút/lần, tọa độ vị trí của máy bay phải được cung cấp và dữ liệu đó sẽ được tải xuống. Chưa cần có yêu cầu của ICAO, chúng tôi đã độc lập tiến hành điều đó”.

Hệ thống giám sát hành trình bay theo đề xuất của ICAO sẽ sử dụng thiết bị đã được lắp đặt trên máy bay đường dài. Thiết bị sẽ ghi lại dữ liệu trên máy bay như vị trí, cao độ, hướng bay và tốc độ bay. Tuy nhiên, không phải mọi hãng hàng không đều đã thiết lập phương thức hoạt động cho thiết bị này để truyền tải các dữ liệu đó tới một vệ tinh trong máy bay. Và các thiết bị hiện tại trên nhiều máy bay vẫn chỉ đang cung cấp dữ liệu giám sát theo tần suất 30 phút/lần.

Theo MAS, hệ thống giám sát mới được thiết lập trên các máy bay Boeing 777 của hãng đã được thay đổi tần suất giám sát 15 phút/lần, còn với các máy bay Boeing 737-800, Airbus A330 và A380 là 10 phút/lần.

Không chỉ tăng tần suất giám sát bay, Malaysia cũng cho biết sẽ nâng cấp sự phối hợp hành động giữa hệ thống radar của lực lượng không quân và lực lượng hàng không dân dụng trong các vấn đề an toàn bay để giúp phản ứng nhanh hơn và chính xác hơn trong các sự cố tương tự (nếu có) với MH370.

Lộ trình tìm kiếm

"12 tháng đau khổ và bất an"

Thủ tướng Úc Tony Abbott

Theo Bộ trưởng Liow, hiện tại, nếu thời tiết tốt, mỗi ngày đội công tác tìm kiếm rà soát được 1% trong tổng số 60.000 km2 vùng đáy biển ở nam Ấn Độ Dương. Với khoảng 44% diện tích vùng tìm kiếm ưu tiên đã tìm xong, dự kiến quá trình rà soát sẽ kết thúc vào tháng 5 tới.

Úc, quốc gia chủ trì việc tìm kiếm, đang cùng với Malaysia và Trung Quốc bàn bạc về việc cần phải làm gì tiếp theo nếu sau khoảng thời gian đó vẫn chưa tìm thấy MH370. Công tác tìm kiếm trong giai đoạn vừa qua được thực hiện với khoản ngân sách đóng góp của chính phủ Úc và Malaysia là 93 triệu USD. Ông Liow nói rằng, chính phủ Malaysia đã chuẩn bị hỗ trợ về mặt tài chính cho công tác này từ thời điểm sau tháng 5 năm nay.

Trước đó, ngày 29-1, phía Malaysia tuyên bố các thành viên trên máy bay MH370 được cho là đã tử vong và đề nghị thân nhân nên nhận tiền bồi thường. Động thái này khiến nhiều gia đình người bị nạn lo ngại chính phủ sẽ khép lại việc tìm kiếm, điều tra; đồng thời lo ngại dư luận thế giới sẽ lãng quên vụ việc. Gần đây, một nhóm đại diện gia đình các nạn nhân đã yêu cầu cần tiếp tục quá trình tìm kiếm.

Ngày 5-3, phát biểu trước Quốc hội Úc tại Canberra, Thủ tướng Tony Abbott cho biết, ông đề nghị vẫn tiếp tục công việc tìm kiếm nhưng sẽ giảm bớt về quy mô và mức độ tiến hành. Dù vậy, ông cam kết sẽ cùng các lực lượng hữu trách làm hết sức có thể để giải mã bí ẩn và cũng để yên lòng thân nhân những người xấu số.  

Trước những dư luận nổi lên trong các gia đình thân nhân rằng chính phủ Malaysia cố tình ém nhẹm thông tin về vụ việc, Bộ trưởng Giao thông nước này đề nghị họ không nên tin vào tất cả “những chủ thuyết âm mưu”. Ông Liow nói: “Họ (các thân nhân) phải tin vào dữ liệu, các chứng cứ thực tiễn, tin vào các chuyên gia đưa ra những dữ liệu đó. Những thông tin cho thấy chiếc máy bay MH370 đang nằm dưới lòng phía nam Ấn Độ Dương. Và đó là lý do vì sao chúng tôi phải tập trung tìm kiếm tại đó”.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.