ĐNĐT - Ngày 24-3, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với gần 50 công ty tàu biển, thương mại và cá nhân nằm trong danh sách đen vì đã có liên hệ với Cuba.
Khách du lịch cầm cờ Mỹ trên đường phố Havana. Ảnh: AFP |
Việc chóng vánh dỡ bỏ danh sách trên diễn ra khi Washington và Havana đã có tiến triển trong các cuộc thương lượng nhằm tái thiết quan hệ ngoại giao sau hơn 50 thù địch.
Đa số các công ty được xóa khỏi lệnh trừng phạt của Bộ Ngân khố Mỹ đóng tại Panama. Ngoài ra, còn một số tàu đăng ký ở nơi khác và 2 công ty tại Florida (Mỹ).
Bộ Ngân khố Mỹ không đưa ra chi tiết lý do các công ty này bị đưa vào danh sách của Bộ này, nhưng theo hãng tin Cuba, Prensa Latina, đây là các công ty bị Cuba kiểm soát hoặc có liên hệ với Cuba.
Tuần trước, Washington và Havana đã kết thúc vòng đàm phán thứ ba về việc bình thường hóa quan hệ hai nước, vốn là tâm điểm cho việc tái thiết các mối quan hệ chính thức và tái mở cửa đại sứ quán.
Tổng thống Mỹ Barack Obama nóng lòng muốn hai nước mở lại đại sứ quán trước thềm Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ tại Panama vào ngày 10 - 11 tháng 4. Tuy nhiên, phía Cuba khẳng định, trước hết, Mỹ phải xóa tên nước này khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố.
Ngược lại, Mỹ yêu cầu Cuba phải đền bù các tài sản của Mỹ mà Cuba đã quốc hữu hóa sau Cuộc Cách mạng Cuba và tự do đi lại cho các nhà ngoại giao.
Việc dỡ bỏ cấm vận thương mại và tài chính vốn đã áp đặt vào Cuba năm 1962 cũng cần được Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Đây là một cuộc chiến chính trị gay gắt với cả hai viện của Quốc hội dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng hòa.
Vào cuối tháng 3, hai nước sẽ gặp nhau một lần nữa để đề cập tới các vấn đề nhân quyền lần đầu tiên.
Châu Âu nôn nóng tái thiết quan hệ với Cuba
Cũng trong ngày 24-3, trưởng phái đoàn chính sách ngoại giao EU, Federica Mogherini cho biết, Liên minh Châu Âu và Cuba đã đồng ý đẩy nhanh nhịp độ đàm phán về việc cải thiện quan hệ song phương với hy vọng các nguyên tắc cơ bản của một thỏa thuận sẽ đạt được vào cuối năm 2015.
Vào tháng 4 năm 2014, EU và Cuba đã bắt đầu đàm phán để viết lại thỏa thuận chính trị song phương của hai bên. Tuy nhiên, hai bên chỉ có cuộc gặp gỡ thứ ba trong vòng 11 tháng, buộc các nước châu Âu phải đề xuất một nhịp độ nhanh hơn.
Bà Mogherini cho rằng, nhịp độ tiến triển là “chậm” nhưng dù sao cũng đã đạt được “mục tiêu chính trị”.
Theo đó, bà Mogherini phát biểu với báo chí rằng: “Chúng tôi quyết định đẩy nhanh nhịp độ thương thảo, với hy vọng kết thúc khuôn khổ làm việc của việc đối thoại và thỏa thuận vào cuối năm nay”.