Quốc tế

THẾ GIỚI TUẦN QUA

Thế khó của Tổng thống Yemen

07:41, 23/03/2015 (GMT+7)

Việc các chiến binh Shitte, với tên gọi phong trào Houthi, chiếm giữ Taiz, thành phố lớn thứ ba của Yemen vào ngày 22-3 là đòn giáng mạnh đối với Tổng thống Abed Rabbo Mansour Hadi. Quốc gia nghèo nhất của thế giới Arab đang tiến gần một cuộc nội chiến.

Lực lượng trung thành với Tổng thống Abed Rabbo Mansour Hadi tuần hành ở thành phố Aden. Ảnh: AFP
Lực lượng trung thành với Tổng thống Abed Rabbo Mansour Hadi tuần hành ở thành phố Aden. Ảnh: AFP

Ngày 22-3, hàng ngàn người đổ xuống các đường phố của Yemen để phản đối việc Houthi chiếm giữ Taiz và sân bay của thành phố này. Họ cũng phản đối cả cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh bởi những người ủng hộ ông đang hậu thuẫn cho Houthi. Sự mở rộng địa bàn của Houthi gây khó khăn cho Tổng thống đương nhiệm Abed Rabbo Mansour Hadi bởi ông đang phải đóng “thành trì” tại thành phố Aden, phía nam Yemen, sau khi chạy khỏi thủ đô Sanaa hồi tháng trước để tránh sự vây bắt của Houthi. Điều đáng nói, Taiz là thành phố miền trung, nằm trên tuyến đường nối Sanaa với Aden. Vì vậy, việc mất Taiz là mất một địa bàn chiến lược.

Houthi đã chiếm giữ Sanaa vào tháng 9 năm ngoái và hiện kiểm soát thủ đô này cùng 9/21 tỉnh, thành phố của Yemen, đẩy Tổng thống Hadi - đồng minh của Mỹ - vào thế khó. Cuộc khủng hoảng chính trị đang làm suy yếu khả năng của Yemen trong việc đối phó với Al-Qaeda trên bán đảo Arab. Không những thế, đất nước này đang phải đối mặt với mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), lực lượng tuyên bố nhận trách nhiệm trong hàng loạt vụ đánh bom liều chết vào ngày 20-3 vừa qua, làm ít nhất 142 người thiệt mạng.

Mỹ đã sơ tán tất cả nhân viên ra khỏi Yemen, đồng thời rút các binh sĩ khỏi căn cứ không quân Al-Anad, miền nam Yemen, một căn cứ Washington triển khai lực lượng tình báo để săn lùng quân khủng bố Al-Qaeda trên bán đảo Arab. Tháng trước, Washington đã đóng cửa Đại sứ quán tại Sanaa. Tình hình an ninh ở quốc gia Trung Đông này đang ngày càng xấu đi khi bị chia rẽ, phía bắc do các chiến binh Houthi kiểm soát và phía nam do các đồng minh của Tổng thống Hadi nắm giữ.  

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) nhóm họp vào ngày 22-3 để bàn thảo về tình hình ở Yemen sau khi Tổng thống Hadi kêu gọi “sự can thiệp khẩn cấp” của cơ quan gồm 15 thành viên. Ông Hadi cáo buộc Houthi, đồng minh của Iran, muốn khuấy động một cuộc đảo chính chống lại ông. Vị Tổng thống này khẳng định sẽ giương cao quốc kỳ tại “thành trì” của Houthi, giành lại quyền kiểm soát từ tay nhóm chiến binh này. “Quốc kỳ cộng hòa Yemen sẽ bay trên núi Marran tại Sanaa, chứ không phải cờ của Iran”, ông Hadi nói.

Cũng theo Tổng thống Hadi, Houthi đang mang “hệ tư tưởng” Tehran vào lãnh thổ nước ông. “Tôi thúc giục HĐBA LHQ tăng cường trách nhiệm của mình để bảo vệ an ninh và ủng hộ sự hợp pháp ở Yemen”, ông Hadi viết trong thư gửi HĐBA. Ông còn cho rằng, các hành vi phạm tội của các chiến binh Houthi và đồng minh không chỉ đe dọa hòa bình của Yemen mà còn hòa bình và an ninh khu vực cũng như quốc tế.

Thực tế, Yemen rơi vào bất ổn kể từ khi Tổng thống Saleh từ nhiệm vào đầu năm 2012 sau khi diễn ra các cuộc nổi dậy chống lại ông. Hiện nay, đất nước này đang bên bờ nội chiến, với sự bế tắc chính trị ngày càng sâu sắc và sự chia rẽ giữa các giáo phái. Bên cạnh đó là tình trạng bạo lực giữa Houthi, các bộ tộc Sunni và Al-Qaeda. Nay Tổng thống Hadi kêu gọi Houthi rút lực lượng khỏi các cơ quan chính phủ, trao trả vũ khí và rút khỏi Sanaa.

Ông muốn Yemen trở lại hình huống chính trị trước khi Houthi kiểm soát Sanaa và thúc giục các bên tham gia đàm phán hòa bình tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Tuy nhiên, thực tế sẽ không như những gì Tổng thống Hadi mong muốn khi Houthi chưa từ bỏ tham vọng tranh giành quyền lực với ông. Thời gian tới sẽ khó khăn hơn với Yemen và cá nhân ông Hadi, nhất là khi IS đang muốn phô trương thanh thế, mà minh chứng rõ nhất là vụ đánh bom ngày 20-3 vừa qua chỉ là “phần nổi của tảng băng”. An ninh của Yemen đang là điều đáng lo ngại.

VĨNH AN

.