Quốc tế

Pháp chấn động vì bị Mỹ do thám

07:42, 25/06/2015 (GMT+7)

Pháp nói rằng, không thể tha thứ cho hành động nào đe dọa an ninh của nước này sau khi trang WikiLeaks công bố tài liệu cho biết Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã do thám 3 đời Tổng thống Pháp, gồm hai cựu Tổng thống Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và đương kim Tổng thống Francois Hollande.

NSA đã do thám hai cựu Tổng thống Jacques Chirac (trái), Nicolas Sarkozy (giữa) và Tổng thống đương nhiệm Francois Hollande.   							             Ảnh: AFP
NSA đã do thám hai cựu Tổng thống Jacques Chirac (trái), Nicolas Sarkozy (giữa) và Tổng thống đương nhiệm Francois Hollande. Ảnh: AFP

Ngày 24-6, tức chỉ sau vài tiếng đồng hồ WikiLeaks công bố tài liệu về việc NASA đã do thám 3 đời Tổng thống Pháp, Điện Elysée đã triệu đại sứ Mỹ Jane Hartley đến gặp Ngoại trưởng Laurent Fabius. Tổng thống Pháp Francois Hollande gọi hành động của Mỹ là sự vi phạm an ninh “không thể chấp nhận được”.

Văn phòng Tổng thống Pháp cũng gọi việc do thám là “không thể chấp nhận được”. Tuyên bố của Văn phòng Tổng thống yêu cầu Mỹ phải tôn trọng lời hứa không do thám các nhà lãnh đạo Pháp.

Các dữ liệu do WikiLeaks công bố được đăng tải trên nhật báo Liberation và trang web chuyên điều tra Mediapart của Pháp. Và như vậy, Pháp cùng Đức có tên trong danh sách những đồng minh bị NSA theo dõi.

NSA từng bị cáo buộc do thám Thủ tướng Đức Angela Merkel. Vụ bê bối này từng gây chấn động, tác động đến quan hệ hợp tác giữa Đức và Mỹ.

Người phát ngôn của WikiLeaks Kristinn Hrafnsson khẳng định những tài liệu vừa công bố hoàn toàn xác thực. Các tài liệu xếp hạng “tuyệt mật” được phát hiện trong 5 bản báo cáo của NSA dựa trên các thông tin mà cơ quan an ninh này theo dõi được.

Theo AFP, việc do thám các nguyên thủ Pháp diễn ra ít nhất từ năm 2006 đến tháng 5-2012, trong đó có tài liệu ghi ngày 22-5-2015, tức chỉ vài ngày sau khi ông Hollande nhậm chức kế nhiệm ông Sarkozy. Tài liệu cho biết, ông Hollande đã “phê chuẩn việc tổ chức các cuộc họp bí mật ở Paris nhằm bàn thảo về cuộc khủng hoảng khối các nước sử dụng đồng euro, nhất là những hệ lụy khi Hy Lạp rời khỏi khối này”.

Một tài liệu khác từ năm 2011 liên quan việc ông Sarkozy quyết tâm nối lại hòa đàm giữa Israel với Palestine và có vẻ như không cần sự can thiệp của Mỹ.

Một tài liệu khác ghi năm 2008 có tựa đề “Ông Sarkozy thấy mình là người duy nhất có thể giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính thế giới”. Theo đó, cựu Tổng thống Pháp đã đổ lỗi “nhiều vấn đề kinh tế hiện tại xuất phát từ những sai lầm của chính phủ Mỹ và tin rằng Washington đang lưu ý một số lời khuyên của ông”.

Ngoài 3 Tổng thống và cựu Tổng thống Pháp, NSA còn do thám các thành viên nội các Pháp cũng như đại sứ Pháp tại Mỹ.

Cũng trong ngày 24-6, Tổng thống Francois Hollande triệu tập 2 cuộc họp khẩn cấp với các quan chức tình báo hàng đầu và nội các, sau đó họp với các nhà lập pháp. Tuyên bố do Văn phòng Tổng thống Pháp đưa ra tại cuộc họp nhấn mạnh: Paris sẽ không tha thứ cho những hành động đe dọa an ninh và bảo vệ quyền lợi quốc gia.

Vụ rò rỉ thông tin này xảy ra chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thông qua đạo luật chấm dứt các hoạt động thu thập dữ liệu điện thoại của công dân và khép lại chương trình theo dõi gây tranh cãi lớn nhất do NSA tiến hành sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001.

Nhà Trắng không bình luận gì về việc do thám các Tổng thống Pháp nhưng nói rằng, NSA hiện tại không theo dõi các liên lạc của Tổng thống Pháp Francois Hollande và sẽ không làm như vậy trong tương lai.

“Chúng tôi không nhằm vào và sẽ không nhằm vào các liên lạc của Tổng thống Hollande”, ông Ned Price - người phát ngôn của NSA nói. Ông Price nhấn mạnh Mỹ hợp tác chặt chẽ với Pháp trên nhiều vấn đề quốc tế cùng quan tâm và Paris là một đối tác không thể thiếu của Washington.

Hãng AP nhận định: Thực chất WikiLeaks không đưa ra thông tin gì quá bất ngờ hay bí mật, nhưng làm dấy lên phản ứng gay gắt trong giới chính trị gia Pháp, đặc biệt là khi nước này chuẩn bị thông qua chương trình do thám quy mô lớn.

Pháp là một trong rất nhiều đồng minh của Mỹ phụ thuộc nhiều vào chương trình do thám của Mỹ để phòng chống khủng bố và các nguy cơ khác. Hơn nữa, vụ việc lần này được cho là có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng giữa Pháp và Mỹ.

PHÚC NGUYÊN
 

.