Quốc tế
Iraq cải tổ để chống tham nhũng: Cuộc chiến khó khăn của Thủ tướng Abadi
Quốc hội Iraq đã thông qua kế hoạch cải cách của Thủ tướng Haider al-Abadi nhằm chống tham nhũng, giảm sự lãng phí của chính phủ trong lúc đối mặt với các cuộc biểu tình lan rộng trên đường phố. Song, không dễ dàng để ông Abadi hàn gắn được một Iraq đang chia rẽ.
Người dân Iraq đổ xuống đường ủng hộ kế hoạch cải tổ của Thủ tướng Haider al-Abadi. Ảnh: AP |
Phát biểu với đài truyền hình nhà nước Iraq, Chủ tịch Quốc hội Saleem al-Jabouri xác nhận việc cơ quan lập pháp đã thông qua kế hoạch cải cách gồm 7 điểm của Thủ tướng Haider al-Abadi vào ngày 11-8. Kế hoạch bao gồm: cắt giảm số bộ, ngành, cơ quan, một số vị trí cao cấp trong chính phủ; giảm lợi ích của các quan chức và mở lại các cuộc điều tra tham nhũng.
Đáng chú ý là kế hoạch này đề nghị bãi bỏ ngay lập tức 3 chức vụ phó tổng thống và 3 chức vụ phó thủ tướng. Ba vị trí phó tổng thống hiện nay do 3 cựu quan chức hàng đầu nắm giữ, bao gồm: người tiền nhiệm Nouri al-Maliki, cựu Chủ tịch Quốc hội Osama al-Nujaifi và cựu Thủ tướng Iyad Allawi. Ngoài ra, phương thức bổ nhiệm các quan chức cấp cao cũng sẽ được điều chỉnh, luật về hạn ngạch quan chức theo đảng phái sẽ bị bãi bỏ. Một số vị trí trong chính phủ sẽ do các chính trị gia độc lập đảm nhiệm…
Hãng AFP dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Jabouri nói rằng, chương trình cải cách của Thủ tướng Adabi đã được các nhà lập pháp thông qua mà không có sự tranh cãi. Ông Jabouri trước đó đã kêu gọi người đứng đầu chính phủ sa thải các bộ trưởng tắc trách hoặc tham nhũng. Tuy ông Jabouri không đề cập cụ thể những bộ trưởng nào nhưng một quan chức trong Quốc hội cho biết, đó là những người phải chịu trách nhiệm về tình trạng thiếu điện và nước.
Trong khi đó, theo những người ủng hộ, quyết định của Quốc hội và của ông Abadi là bước tiến đầu tiên trong việc giải thoát Iraq khỏi nạn tham nhũng.
Kế hoạch được Thủ tướng Abadi đưa ra sau khi làn sóng biểu tình rầm rộ lan khắp thủ đô Baghdad và một số thành phố ở miền nam để phản đối nạn tham nhũng, dịch vụ công nghèo nàn cũng như tình trạng thiếu điện liên miên. Những người biểu tình yêu cầu ông Abadi thực hiện các “giải pháp quyết liệt” để chống tham nhũng và cho rằng “những bước nhỏ” mà Thủ tướng đã công bố vẫn chưa đủ. Cái nóng của mùa hè và các cuộc tấn công khủng bố xảy ra hằng ngày vẫn không ngăn cản được các cuộc biểu tình. Theo Reuters, phản ứng tức giận của công chúng có thể cản trở những nỗ lực của ông Abadi trong việc giành được sự ủng hộ để chống lại các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở miền bắc và tây đất nước này.
Ngày 10-8, ông Baha al-Araji, Phó Thủ tướng Iraq phụ trách vấn đề năng lượng, đã từ chức và sẽ đối mặt với cuộc điều tra chống tham nhũng. Chính giáo sĩ Hồi giáo hàng đầu dòng Shiite Moqtada al-Sadr đã yêu cầu ông Araji từ chức và cấm ông này rời khỏi đất nước. Đây là một kết quả đầu tiên có thể nhìn thấy rõ nhất từ kế hoạch cải tổ của Thủ tướng Abadi.
Ông Ahmed Ali, nhà phân tích và nghiên cứu, gọi kế hoạch của Thủ tướng Iraq là “tham vọng và táo bạo”. “Ông Abadi đã có những quyết định lớn để thể hiện sự quyết đoán của mình”, nhà phân tích này nói. Song, câu hỏi được đặt ra là vị Thủ tướng nắm quyền vào tháng 9 năm ngoái sẽ thực thi kế hoạch như thế nào.
Theo tờ The Huffington Post, nếu ông Abadi thành công trong sứ mệnh khó khăn, ông có thể ghi tên vào lịch sử như một Nelson Mandela của Iraq. Thực tế, nhiều cuộc chiến tranh đã diễn ra ở Iraq, nhưng không có cuộc chiến nào được tiến hành cứng rắn để chống lại một trong những vấn đề gai góc nhất của quốc gia Trung Đông này: nạn tham nhũng chính trị.
Các nhà phân tích đều cho rằng, cuộc chiến chống tham nhũng, hàn gắn rạn nứt của đất nước, hướng đến một chính phủ đoàn kết dân tộc mà Thủ tướng Abadi đang thực hiện sẽ rất khó khăn. Đó là điều tất yếu khi ông lên nắm quyền với một “di sản” rối bời mà người tiền nhiệm để lại: đất nước rơi vào bất ổn, các sắc tộc chia rẽ do chính sách phe phái thù địch với người Sunni, chính phủ bất lực trước nạn tham nhũng…
THIÊN BÌNH