Quốc tế
Vì thế giới không vũ khí hạt nhân
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định sẽ nỗ lực vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân bằng cách hợp tác với các cường quốc hạt nhân và các nước không có vũ khí hạt nhân.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đặt hoa tưởng niệm tại Công viên Hòa bình Nagasaki. Ảnh: AP |
Theo đó, chính phủ Nhật Bản quyết tâm đi đầu trong các nỗ lực quốc tế nhằm giải giáp vũ khí hạt nhân, tuân thủ 3 nguyên tắc phi hạt nhân: không sản xuất, sở hữu hoặc cho phép các loại vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ quốc gia Đông Bắc Á này.
“Là quốc gia duy nhất trên thế giới chịu cuộc tấn công hạt nhân trong chiến tranh, tôi nhấn mạnh giải pháp của tôi là đóng vai trò dẫn đầu trong việc theo đuổi một thế giới không có vũ khí hạt nhân và tuân thủ 3 nguyên tắc phi hạt nhân”, Thủ tướng Abe phát biểu tại Công viên Hòa bình Nagasaki ngày 9-8, nhân kỷ niệm 70 năm Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Nagasaki.
Tuy nhiên, những tuyên bố của Thủ tướng Shinzo Abe không làm thay đổi quan điểm của người dân Nhật Bản xung quanh việc mở rộng vai trò của lực lượng phòng vệ nước này. Trong buổi lễ tưởng niệm, bất chấp sự có mặt của Thủ tưởng Abe, thành phố này đã kêu gọi chính phủ Nhật Bản ngừng việc thúc đẩy vai trò của lực lượng phòng vệ. Một người sống sót trong vụ ném bom ở Nagasaki vào ngày 9-8-1945 nói rằng, dự luật an ninh do chính phủ của ông Abe đưa ra đang chống lại mong muốn của những người sống sót và “sẽ dẫn đến chiến tranh”.
Các đại diện của 75 quốc gia, trong đó có Đại sứ Mỹ Caroline Kennedy, tham dự các hoạt động tưởng niệm tại Công viên Hòa bình Nagasaki. Các nhà thờ đã đồng loạt rung chuông để những người còn sống sót, người thân của các nạn nhân và những người khác cùng nhớ lại thảm họa đau thương đã làm hơn 70.000 người thiệt mạng ở Nagasaki, chưa kể những người chết về sau do các di chứng. Trước đó 3 ngày, chiếc máy bay B-29 của Mỹ ném quả bom hạt nhân đầu tiên trong lịch sử xuống thành phố Hiroshima, làm 140.000 người thiệt mạng.
Thủ tướng Abe cho rằng, dự luật an ninh mới là cần thiết để gia tăng khả năng phòng vệ của Nhật Bản trong lúc đối mặt với các mối đe dọa ở khu vực. Theo đó, lực lượng phòng vệ Nhật Bản có thể bảo vệ các đồng minh trong trường hợp bị tấn công. Tuy nhiên, các khảo sát đều cho thấy, dự luật này vấp phải sự phản đối của công chúng, áp lực đối với ông Abe không nhỏ bởi người dân Nhật không hề muốn “giải thích lại Hiến pháp hòa bình” bằng việc cho phép quân đội nước họ tham chiến.
Thị trưởng Nagasaki Tomihisa Taue đề nghị chính phủ lắng nghe và cần thảo luận thận trọng các đạo luật có thể dẫn tới sự thay đổi lớn trong quy mô quốc phòng của đất nước cũng như Hiến pháp hòa bình. “Vì lợi ích của Nagasaki và lợi ích của toàn dân Nhật Bản, không bao giờ được quên một nguyên tắc hòa bình là chúng ta từ chối chiến tranh”, Thị trưởng Taue nói. Các dự luật an ninh trong việc giải thích lại Hiến pháp hòa bình đang được thảo luận tại Thượng viện sau khi các đảng cầm quyền đã thông qua tại Hạ viện hồi tháng trước.
Các buổi lễ tưởng niệm ở Nagasaki và Hiroshima diễn ra trước lúc Nhật Bản tái khởi động một lò phản ứng hạt nhân dân sự ở phía nam. Ông Abe đang có kế hoạch thúc đẩy các lò phản ứng hoạt động trở lại sau khi đóng cửa vì thảm họa hạt nhân ở nhà máy Fukushima năm 2011 nhưng cũng vấp phải sự phản đối của công chúng.
VĨNH AN