.

Châu Âu cùng "gánh" 160.000 người tị nạn

.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã công bố kế hoạch phân bổ hạn ngạch tái định cư, theo đó buộc các nước cùng gánh 160.000 người tị nạn và tháo gỡ áp lực ở khu vực biên giới trong cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay.

Khoảng 400-500 người nhập cư đã băng qua hàng rào cảnh sát tại thị trấn Roszke ở biên giới giữa Hungary và Serbia.	 					Ảnh: AFP
Khoảng 400-500 người nhập cư đã băng qua hàng rào cảnh sát tại thị trấn Roszke ở biên giới giữa Hungary và Serbia. Ảnh: AFP

Kế hoạch phân bổ “hạn ngạch bắt buộc” được Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker công bố vào ngày 9-9 để các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) phải cùng chia sẻ trách nhiệm với cuộc khủng hoảng nhập cư, bởi Hungary, Ý và Hy Lạp không thể một mình giải quyết bài toán khó này.

Theo đó, kế hoạch mới sẽ tái định cư cho 120.000 người tị nạn đang tạm trú ở Hungary, Ý và Hy Lạp. Cùng với đó là thực hiện kế hoạch được đưa ra hồi tháng 5 vừa qua về việc tái định cư cho 40.000 người khác đang tạm trú ở Ý và Hy Lạp.

Đức sẽ phải tiếp nhận hơn 31.400 người, Pháp tiếp nhận hơn 24.000 người, Tây Ban Nha: gần 15.000 người, Ba Lan: hơn 9.200 người, Hà Lan: hơn 7.200 người, Thụy Điển: gần 4.500 người... Ông Juncker cho rằng, hạn ngạch này sẽ dẫn đến phản ứng “nhanh chóng, kiên quyết và toàn diện” của châu Âu.

Hãng AFP cho biết, phát biểu với Nghị viện châu Âu tại thành phố Strasbourg (Pháp), ông Juncker nhấn mạnh khoảng 500.000 người đã ồ ạt đến châu Âu trong năm nay, trong đó nhiều người đến từ Syria và Libya.

Ông khẳng định đây không phải là lúc sợ hãi mà là lúc phải có hành động kiên quyết cho EU. Song, ông cũng cảnh báo các nước thành viên của liên minh không nên phân biệt tôn giáo khi tiếp nhận người tị nạn. Theo Chủ tịch EC, việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư là “vấn đề nhân đạo và phẩm giá con người”.

“Châu Âu ngày nay ẩn chứa sự hy vọng, là thiên đường ổn định trong mắt của phụ nữ và đàn ông ở Trung Đông và châu Phi. Đây là một điều gì đó để tự hào chứ không phải để sợ hãi… Chúng ta đang chống lại IS (tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng). Vì sao chúng ta không sẵn sàng chấp nhận những người đang chạy trốn khỏi IS?”, ông Juncker nói. Song, vị cựu Thủ tướng Luxembourg này thừa nhận: “Thật sự châu Âu không thể chứa tất cả khổ đau trên thế giới”.

“Hạn ngạch bắt buộc” vốn được Thủ tướng Đức Angela Merkel hoan nghênh và gọi đây là bước đi quan trọng đầu tiên nhằm giải tỏa căng thẳng nhập cư. Theo bà, “hạn ngạch bắt buộc” là giải pháp duy nhất để bảo đảm việc chia sẻ gánh nặng người tị nạn công bằng và phù hợp.

Tuy nhiên, phát biểu trước Quốc hội Đức, Thủ tướng Merkel muốn “hạn ngạch” không nên cứng nhắc bằng việc phân bổ giới hạn số lượng và nếu không áp đặt mức trần thì số người được tiếp nhận có thể sẽ vượt xa kế hoạch mà EC vừa công bố. “Chúng ta không thể chỉ ấn định một mức trần và tuyên bố rằng không quan tâm tới những gì vượt quá con số đó”, bà Merkel nói.

Pháp đã đồng ý tiếp nhận khoảng 24.000 người tị nạn. Úc cũng ủng hộ “hạn ngạch”, đồng thời cho biết sẽ tiếp nhận thêm 12.000 người đến từ Syria và Iraq. Trong khi đó, tuy nước Anh không bị “hạn ngạch” ràng buộc nhưng Thủ tướng David Cameron khẳng định sẽ đón 20.000 người tị nạn trong 5 năm. Các nước châu Mỹ như Canada, Brazil cũng lên tiếng chia sẻ gánh nặng với châu Âu.

Tuy nhiên, nhiều nước thành viên EU, nhất là các nước ở phía đông như Hungary, vẫn chưa thống nhất về “hạn ngạch”. Thủ tướng Hungary Victor Orban cho rằng, còn quá sớm để công bố một “hạn ngạch” với mức trần cụ thể khi biên giới bên ngoài EU chưa được bảo vệ chặt chẽ. AFP cho biết, khoảng 400-500 người nhập cư vừa băng qua hàng rào cảnh sát tại thị trấn Roszke ở biên giới giữa Hungary và Serbia.

Tại Roszke, có hơn 2.500 người tị nạn, hầu hết là người Syria, Afghanistan và Pakistan, trong đó có 455 trẻ em. Nơi đây là điểm trung chuyển chính để những người tị nạn sang các nước giàu có hơn của châu Âu.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.
.