.

Khủng hoảng nhập cư: Châu Âu loay hoay tìm giải pháp

.

Thủ tướng Cộng hòa Czech Bohuslav Sobotka nói rằng, Liên minh châu Âu (EU) cần một giải pháp thật sự cho cuộc khủng hoảng nhập cư, thay vì cứ tranh luận vô ích về hạn ngạch phân bổ tiếp nhận người tị nạn.

Những người tị nạn đến nhà ga gần biên giới giữa Serbia và Croatia ngày 17-9.      Ảnh: AFP
Những người tị nạn đến nhà ga gần biên giới giữa Serbia và Croatia ngày 17-9. Ảnh: AFP

Đến nay, châu Âu vẫn chưa có giải pháp cụ thể nào đối với cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng nhất của lục địa này kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay, ngoại trừ giải pháp tạm thời là phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn. Ngay trong nội bộ châu Âu đang có sự chia rẽ về quan điểm đối phó với dòng người chủ yếu đến từ Syria, Iraq, Afghanistan và Pakistan.

Cùng với các quốc gia Trung Âu, Cộng hòa Czech cũng phản đối “hạn ngạch bắt buộc”. Ngày 17-9, Thủ tướng Czech Bohuslav Sobotka cho rằng, cần kết thúc những tranh cãi vô ích về cơ chế phân bổ bắt buộc tiếp nhận người tị nạn, thay vào đó là thực thi những giải pháp để sớm tháo gỡ cuộc khủng hoảng này.

Nghị viện châu Âu đã ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch tái bố trí 120.000 người tị nạn xung quanh khu vực EU nhằm giảm sức ép cho Hy Lạp, Hungary và Ý. Dự kiến, bộ trưởng nội vụ các nước sẽ nhóm họp vào ngày 22-9 tới để xem xét các kế hoạch về hạn ngạch tái phân bổ người tị nạn. Bên cạnh đó, các bộ trưởng EU cũng thống nhất kế hoạch tái phân bổ 40.000 người tị nạn từ Ý và Hy Lạp cho các nước thành viên còn lại.

Điều đáng nói là Croatia, quốc gia nằm ở đông nam châu Âu, bỗng bị kéo vào cuộc khủng hoảng nhập cư. Theo AFP, chính việc Hungary đóng cửa biên giới với Serbia đã khiến những người di cư chuyển hướng sang Croatia. Ngày 17-9, Bộ trưởng Y tế Croatia Sinisa Varga nói rằng, dòng người tị nạn kéo đến quốc gia Balkan này có thể lên đến hơn 20.000 người trong vòng 2 tuần tới. 6.200 người nhập cư từ Serbia đã đến Croatia trong vòng hơn 24 giờ, từ ngày 16 đến 17-9, và trên hành trình muốn vào Bắc Âu.

Thủ tướng Croatia Zoran Milanovic chỉ trích gay gắt động thái của Hungary trong việc kiểm soát biên giới, dẫn đến việc nước ông bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng. Song, ông Milanovic cảnh báo, đất nước nhỏ bé chỉ có 4,2 triệu dân của ông sẽ không ứng phó nổi nếu phải tiếp nhận hàng ngàn người tị nạn. Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách người di cư của Serbia Aleksandar Vulin kêu gọi Hungary mở cửa lại biên giới, ít nhất là ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em.

Hãng Reuters dẫn lời Cao ủy về nhập cư của EU Dimitris Avromopoulos phát biểu tại một cuộc họp báo với Ngoại trưởng và Bộ trưởng Nội vụ Hungary rằng, những người Syria đến châu Âu đang cần “sự giúp đỡ của chúng ta”. Theo ông Avromopoulos, hàng rào thép gai mà Hungary dựng lên chỉ là giải pháp tạm thời để ngăn chặn người nhập cư nhưng lại làm dấy lên căng thẳng.

Hiện nay, Hungary và cả Áo đều tuyên bố đóng cửa biên giới, hoặc thắt chặt các biện pháp kiểm tra. Không những thế, Áo, Hà Lan, Slovakia đều muốn tạm dừng Hiệp ước Schengen - hiệp ước tự do đi lại giữa 26 nước châu Âu. Ngay cả Đức, từng tuyên bố nới lỏng quy chế tị nạn cho người nhập cư Syria, nay cũng nối lại các hoạt động kiểm soát biên giới với Áo. Sự thay đổi quan điểm của Berlin là điều bất ngờ nhưng cũng dễ hiểu khi nền kinh tế giàu có nhất châu Âu này không thể gồng mình với lượng người tị nạn quá tải. Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn châu Âu đoàn kết nhưng một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của EU diễn ra vào tuần tới xem ra cũng không thể giải quyết được vấn đề.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.