Quốc tế
Khủng hoảng nhập cư là vấn đề của Đức
Thủ tướng Hungary Viktor Orban khẳng định khủng hoảng nhập cư là vấn đề của Đức, chứ không phải là vấn đề của châu Âu, đồng thời bảo vệ cách xử trí của chính phủ đối với hàng ngàn người tị nạn đang đổ xô vào nước của ông.
Hàng ngàn người chen nhau lên tàu ở nhà ga Keleti, tại thủ đô Budapest (Hungary). Ảnh: AFP |
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz ở Brussels (Bỉ) ngày 3-9, Thủ tướng Viktor Orban nói rằng, không ai muốn ở lại Hungary cũng như Slovakia, Ba Lan, Estonia. Tất cả đều muốn đến Đức. Công việc của chúng tôi là chỉ đăng ký cho họ”. Cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng nhất châu Âu kể từ chiến tranh Yugoslav vào những năm 1990 đang làm đau đầu các nhà lãnh đạo của “lục địa già cỗi”.
Hỗn loạn ở nhà ga Budapest
Hãng AFP cho biết, phát biểu của Thủ tướng Orban được đưa ra khi hàng trăm ngàn người nhập cư và tị nạn tràn lên một tàu hỏa tại nhà ga quốc tế Keleti ở Budapest, gần biên giới với Áo, nhưng các nhà chức trách Hungary lại bất ngờ hoãn tất cả các chuyến tàu đến Tây Âu, dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Nhà ga này đã đóng cửa trong 2 ngày và mở cửa trở lại vào ngày 3-9 thì xảy ra tình trạng hỗn loạn.
Chưa rõ vì sao giới chức Hungary đột ngột rút lại quyết định cho phép những người nhập cư tiếp tục hành trình đến Áo, Đức và một số nước khác. Chỉ biết rằng, Hungary muốn ngăn chặn người di cư bất hợp pháp lên tàu để tới các quốc gia thành viên khác của EU.
Thủ tướng Orban nói rằng, nước ông đang quá tải người tị nạn. Hungary đã gây chấn động châu Âu khi xây dựng hàng rào dọc biên giới kéo dài 175km với Serbia. Song, hàng rào này không ngăn chặn được dòng người nhập cư và Hungary vẫn là điểm đến quan trọng đối với hàng chục ngàn người đang tiến vào Liên minh châu Âu (EU). Trong đó, khoảng 50.000 người đã vào Hungary chỉ trong tháng 8 vừa qua để tìm cách đến “miền đất hứa” Tây Âu.
Cũng trong ngày 3-9, Quốc hội Hungary nhóm họp bàn về việc thắt chặt luật nhập cư, thành lập vùng trung chuyển tại biên giới với Serbia và đưa ra các hình thức trừng phạt cứng rắn hơn với những ai vượt biên bất hợp pháp.
Tại Brussels, Thủ tướng Orban còn cho biết, người Hungary và châu Âu đang “tràn đầy nỗi lo sợ” bởi họ thấy rằng, các nhà lãnh đạo châu Âu không thể kiểm soát được tình hình.
Bức ảnh binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bế thi thể một em bé Syria, thiệt mạng trong hành trình tìm đến châu Âu, đã gây chấn động. Ảnh: Getty Images |
Áp lực với các chính trị gia
Bức ảnh thi thể cậu bé người Syria (3 tuổi) dạt vào bãi biển gần thị trấn nghỉ dưỡng Bodrum, cách thành phố Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ hơn 300km, xuất hiện trên các báo châu Âu đã gia tăng áp lực cho các chính trị gia và kêu gọi họ phải hành động. Bức ảnh thể hiện một binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bế thi thể của cậu bé, được xác định là Aylan Kurdi, 3 tuổi. Em bỏ mình trên biển cùng người mẹ Rehan (35 tuổi) và anh trai Galip (5 tuổi), chỉ có người cha là Abdullah may mắn sống sót.
Các nhà quan sát cho rằng, bức ảnh đã phản ánh toàn bộ bi kịch của cuộc khủng hoảng nhập cư. Theo thống kê, khoảng 11 triệu người Syria đã chết hoặc bỏ nhà cửa để lánh nạn kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu vào năm 2011; trong đó, khoảng 4 triệu người đã rời khỏi đất nước.
Từ bức ảnh đó, trên trang mạng Twitter, Thủ tướng Pháp Manuel Valls thúc giục hành động khẩn cấp. Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn các nước EU cùng chia sẻ vấn đề người tị nạn trong lúc chính phủ của bà đối phó với số người nhập cư lên đến kỷ lục trong năm nay: 800.000 người, cao hơn nhiều so với năm ngoái (550.000 người).
Tuy nhiên, một thăm dò ở Pháp cho thấy, 56% số người dân không muốn nước này mở cửa để tiếp nhận người nhập cư. Công chúng Đức dường như có suy nghĩ thoáng hơn với khoảng 60% số người dân quốc gia này tin rằng, Berlin có thể giải quyết tốt dòng người nhập cư. Song, cũng theo thăm dò, uy tín của bà Merkel đang sụt giảm do cuộc khủng hoảng này.
Vấn đề đặt ra là cần chấm dứt “cơn ác mộng” nhập cư kéo dài suốt thời gian qua. Ngày 14-9 tới, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ nhóm họp khẩn cấp để vạch ra kế hoạch điều phối nhằm xử lý, phân loại và cứu trợ hàng ngàn người di cư trái phép tới châu lục.
THIÊN BÌNH