Quốc tế
Triều Tiên không xin lỗi về vụ nổ mìn
CHDCND Triều Tiên nói rằng, việc nước này bày tỏ “lấy làm tiếc” về vụ nổ mìn làm 2 binh sĩ Hàn Quốc bị thương thực chất chỉ là sự cảm thông, chứ không phải lời xin lỗi như Seoul tuyên bố.
Một quan chức quân đội Hàn Quốc cung cấp thông tin cho báo chí tại hiện trường vụ nổ mìn làm 2 binh sĩ nước này bị thương. Ảnh: AP |
Hãng Reuters cho rằng, việc CHDCND Triều Tiên ngày 2-9 bác bỏ việc nước này đã xin lỗi về vụ nổ mìn xảy ra hồi tháng 8 vừa qua ở khu vực phi quân sự làm dấy lên hoài nghi về động thái thăm dò thái độ của hai miền trong việc tháo gỡ căng thẳng.
Tuyên bố của Ủy ban Quốc phòng quốc gia, cơ quan quyền lực của CHDCND Triều Tiên, là sự bác bỏ công khai đầu tiên của nước này đối với một phần nội dung trong thỏa thuận liên Triều gồm 6 điểm đạt được hôm 25-8 vừa qua. Lúc CHDCND Triều Tiên bày tỏ “lấy làm tiếc” về vụ nổ mìn, Hàn Quốc ngay lập tức cho rằng, đây là sự đột phá và quốc gia phía Nam đã thúc đẩy việc chịu trách nhiệm của quốc gia phía Bắc đối với vụ nổ mìn.
Theo Seoul, điều này tương đương với lời xin lỗi khi xét về chuẩn mực quốc tế. Seoul cũng ngừng hệ thống loa phóng thanh ở khu vực biên giới, vốn tuyên truyền chống Bình Nhưỡng. Đồng thời, cả hai miền bắt đầu lên kế hoạch đối thoại về việc đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953.
Tuy nhiên, CHDCND Triều Tiên lý giải rằng, phía Hàn Quốc đã diễn giải nghĩa của từ “lấy làm tiếc” theo cách có lợi cho Seoul. Tuyên bố của Ủy ban Quốc phòng quốc gia CHDCND Triều Tiên nêu rõ: Hàn Quốc không nên có những tuyên bố có thể làm phương hại đến mối quan hệ liên Triều, đồng thời cảnh báo rằng thái độ của Seoul có thể đẩy tinh thần hòa giải trở lại trạng thái đối đầu.
Theo Reuters, tuyên bố nói trên là “lời cảnh báo rõ ràng”. Ngoài ra, phía Bình Nhưỡng cũng chỉ trích các cuộc tập trận bắn đạn thật giữa Hàn Quốc với Mỹ trong tuần qua; đồng thời cho rằng diễn tập minh chứng sự hiếu chiến của Seoul và đe dọa cơ hội cải thiện quan hệ liên Triều. Trong khi đó, các quan chức quốc phòng Hàn Quốc khẳng định diễn tập chỉ đơn thuần là hoạt động huấn luyện thường niên giữa hai đồng minh.
Trong quá khứ, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc không theo đuổi đến cùng những nỗ lực hòa giải và mối quan hệ giữa hai miền trở nên xấu đi kể từ khi đảng bảo thủ nắm quyền ở Seoul vào đầu năm 2008. Cũng trong ngày 2-9, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Jeong Joon-Hee kêu gọi hai miền thực thi thỏa thuận đã đạt được sau 43 giờ đàm phán, thay vì tranh cãi về từ ngữ được sử dụng trong thỏa thuận.
Tại cuộc họp nội các ngày 1-9, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng nói rằng, nước của bà và CHDCND Triều Tiên có thể tiến tới hòa bình, thống nhất nếu hai bên tôn trọng thỏa thuận. Bà Park muốn hai miền thực hiện đợt đoàn tụ gia đình để những người bị ly tán có thể xoa dịu nỗi đau chia cắt người thân.
Hàng trăm nghìn người bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 và việc tổ chức chương trình đoàn tụ đang trở thành vấn đề nhân đạo cấp bách bởi hầu hết những người này hiện ở độ tuổi 70-80, mong muốn được gặp lại người thân trước khi qua đời.
Ông Lim Eul Chul, chuyên gia về CHDCND Triều Tiên tại Đại học Kyungnam của Hàn Quốc, cho rằng các quan chức của quốc gia phía nam sẽ có thể kiềm chế những bình luận mà có thể làm Bình Nhưỡng tức giận, ảnh hưởng đến kế hoạch đoàn tụ các gia đình.
Song, các nhà phân tích khác vẫn hoài nghi về mối quan hệ liên Triều trong lúc có những đồn đoán rằng, CHDCND Triều Tiên sẽ phóng tên lửa tầm xa mang theo vệ tinh vào tháng 10 tới nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Lao động. Nếu vụ phóng tên lửa được tiến hành sẽ làm dấy lên sự chỉ trích của các nước láng giềng, trong đó có Hàn Quốc, đẩy quan hệ giữa hai miền vào trạng thái đối đầu trở lại.
Ngày 2-9, phát biểu với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đang có chuyến thăm Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi nối lại đối thoại đa phương về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và ông phản đối bất kỳ động thái nào làm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trở nên nghiêm trọng hơn. Reuters dẫn lời ông Tập Cận Bình nói rằng, các bên nên nỗ lực để nối lại đàm phán 6 bên, với sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên. |
PHÚC NGUYÊN